Thị trường Indonesia – Cơ hội nào cho nông sản Việt
Là thị trường có quy mô dân số đứng thứ 4 trên thế giới, Indonesia có nhu cầu lớn về mặt hàng nông sản nhưng để thâm nhập sâu vào thị trường này doanh nghiệp trong nước cần chú trọng về tiêu chuẩn hàng hoá, lưu ý phương thức thanh toán và những mặt hàng được phép nhập khẩu (NK).
Theo thống kê, trong 15 mặt hàng xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam sang Indonesia năm 2020 chỉ có gạo là thuộc nhóm hàng nông sản, thực phẩm với kim ngạch 49,949 triệu USD. Còn các mặt hàng khác số lượng XK chưa nhiều. Tại Phiên tư vấn XK sang thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại – Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, lý giải: Một phần nguyên nhân bởi chính sách bảo hộ chặt chẽ của quốc gia này đối với mặt hàng nông sản.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng thông tin: Nhu cầu NK nông sản của Indonesia năm 2020 là 7,07 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch NK cả nước. XK nông sản của Việt Nam sang Indonesia tập trung vào 5 nhóm sản phẩm chính: Cà phê với 28,1 triệu USD, chè 8,15 triệu USD, rau và quả tươi 7,39 triệu, gạo 92,587 tấn, hạt điều XK với giá trị 441 triệu USD.… Những mặt hàng này nằm trong danh mục được phép NK của Indonesia cho hàng nông sản của Việt Nam. Ngoài ra, Indonesia còn mở cửa một số mặt hàng nông sản khác cho Việt Nam như mật ong, tinh bột sắn, gừng tươi, nghệ, hành khô.
“Hiện Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đàm phán với Indonesia mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản khác như: Tỏi, nhãn, vải…”, ông Phạm Thế Cường cho hay.
Riêng với mặt hàng quả tươi, nhu cầu NK mặt hàng này của Indonesia là 1,27 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên tập trung vào các loại quả ôn đới như táo, nho. Lượng quả nhiệt đới được NK tương đối nhỏ, như nhãn NK từ Thái Lan, vải thiều NK từ Trung Quốc…
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng khuyến cáo: Với đặc điểm thị trường như trên, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản cần chú ý để lựa chọn được mặt hàng phù hợp cho XK. Bên cạnh đó, để nông sản Việt thâm nhập được vào thị trường Indonesia cần tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản: Thuộc danh mục được phép NK; đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; quả tươi XK phải được chiếu xạ.
Dù có nhiều thách thức, tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại thị trường Indonesia, ông Thái Thanh Long- Chủ tịch Câu lạc bộ DN Việt Nam tại Indonesia, Tổng giám đốc Công ty PT. Indonesia Teknologi Baru vẫn đánh giá rất tích cực về cơ hội của hàng hoá Việt tại thị trường này.
Indonesia là đất nước vạn đảo, dân số lớn gấp 3 lần so với Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng rất lớn và có xu hướng gia tăng. Những năm gần đây, quốc gia này phát triển mạnh, thu hút một lượng lớn vốn FDI, thúc đẩy GDP tăng cao. Đáng nói, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông của Indonesia phát triển rất mạnh, nhiều đường cao tốc nối liền giữa các tỉnh, kết nối các hòn đảo do đó thuận lợi hơn rất nhiều cho vận chuyển hàng hoá. Bản thân đối tác Indonesia cũng khá thoải mái trong thời gian giao hàng. Mặt khác, Indonesia có nhiều DN làm trong lĩnh vực vận tải. “DN không phải quá lo lắng trong vận chuyển hàng hoá và trở ngại logistics từ đất nước vạn đảo”, ông Thái Thanh Long cho hay.
Thói quen ưa dùng rau, quả tươi của người dân Indonesia cũng là một lợi thế cho nông sản Việt. Bản thân Indonesia cũng là đất nước nhiệt đới nhưng rau, quả tươi của Việt Nam vẫn có lợi thế so sánh về chất lượng, vị ngon của sản phẩm. Người dân Indonesia cũng rất tin tưởng sản phẩm made in Việt Nam và tiêu dùng nhiều một số sản phẩm như cà phê… Tiếng Anh rất phổ biến tại Indonesia, thuận lợi cho giao dịch hàng hoá.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro khi XK sang thị trường này, ông Thái Thanh Long cũng lưu ý: DN cần tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định với từng mặt hàng, nhất là thuế để có giá hợp lý khi đàm phán với đối tác. Indonesia đang khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, hạn chế NK nguyên phẩm. Về xu hướng, nhiều loại mặt hàng sẽ phải có giấy chứng nhận NK, DN cũng cần có sự chuẩn bị. DN đảm bảo độ chính xác của giấy tờ, tránh bị kéo dài thời gian thanh toán.
Ông Phạm Thế Cường cũng nhấn mạnh: DN cảnh giác khi thấy đối tác có các biểu hiện như: Đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra nhanh chóng, ít đàm phán và chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý DN dưới nhiều pháp nhân khác nhau.
Trước khi ký hợp đồng đặt cọc yêu cầu đối tác cung cấp chứng nhận/số đăng ký kinh doanh và mã số thuế. Thực hiện thẩm tra đối tác thông qua Thương vụ Việt Nam tại Indonesia và các tổ chức khác. Không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân. Điều khoản hợp đồng chặt chẽ, đặc biệt các điều khoản bảo vệ mình và phải có điều khoản về xử lý tranh chấp, khiếu nại.
Nguồn: congthuong.vn