Thương mại điện tử trong UKVFTA: Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam – Anh
Sau 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), thương mại song phương giữa 2 quốc gia đã có những kết quả tích cực. Song vẫn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhiều dư địa hợp tác thông qua TMĐT
Tại hội thảo “TMĐT trong Hiệp định UKVFTA – Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh” tổ chức chiều ngày 18/1, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, mặc dù Hiệp định UKVFTA mới thực thi trong giai đoạn ngắn nhưng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong đó, thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đều tăng ở 2 con số, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có Hiệp định.
“Tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư vẫn còn lớn hơn nữa giữa 2 bên. Nếu so với các nước trong khu vực, tiềm năng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư ở mức cao hơn nhiều. Bởi, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% trong tổng nhập khẩu vào Anh, và ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, dư địa hợp tác phát triển giữa hai bên trong thời gian tới còn rất lớn”- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Ông Oliver Todd – Tổng lãnh sự Anh tại TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam – cũng cho rằng, với những kết quả đạt được trong năm 2021 sẽ là cơ hội tăng cao hơn nữa những yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra, hướng tới tạo thuận lợi dịch vụ, phân phối trên nền tảng TMĐT.
Thực tế, bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường TMĐT tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, với mức tăng 53% so với năm 2020, và đang trở thành phương tiện giao dịch phổ biến, lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp và người dân.
Linh hoạt, thích ứng với xu hướng mới, năm 2020, 2021, Bộ Công Thương đã làm việc với các sàn TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường quốc tế.
Dẫn số liệu thống kê theo các ngành hàng đến từ Việt Nam của Alibaba năm 2021, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, đối với sàn TMĐT Alibaba, Anh quốc luôn nằm trong thị trường có lượng người mua nhiều nhất (ngoại trừ hàng nông sản). Cụ thể, với ngành hàng thực phẩm và đồ uống, nước Anh luôn nằm trong top 10 quốc gia có người mua hàng lớn nhất đối với sản phẩm ngành này. Trong khi đó, ngành hàng đồ may mặc, nằm ở trong top 6 có lượng mua các mặt hàng này; ngành hàng liên quan đến làm đẹp cũng có lượng người mua đứng thứ nhì về các sản phẩm này của Việt Nam. Ngành hàng về nội ngoại thất, lượng người mua các mặt hàng này từ Vương quốc Anh xếp hạng 4. Ngành hàng về nhà cửa, vườn tược, các mặt hàng như đồ bếp và bàn nướng BBQ có nhà phân phối tại Việt Nam được người mua hàng từ Vương quốc Anh tìm kiếm nhiều nhất.
“Đối với sàn TMĐT Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả những cải tiến của Amazon để phát triển mạnh mẽ và xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” trên bản đồ thế giới, qua đó để lại dấu ấn mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế nói chung và thị trường Vương quốc Anh nói riêng”– bà Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá.
Đẩy mạnh TMĐT trong hoạt động xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh đại dịch và hình thức kinh doanh online phát triển mạnh mẽ, theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường thông qua online. Tuy nhiên, dù tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống hay online thì UKVFTA vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà cần quan tâm đến quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định phát triển bền vững….
Đồng tình với quan điểm, bà Bùi Thanh Hằng – Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho rằng, với những cam kết TMĐT trong UKVFTA hoàn toàn mở ra nhiều phương thức tiếp cận thị trường kiểu mới, không nhất thiết đi qua tiếp cận thị trường truyền thống.
“Bên cạnh mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng thông qua việc tham gia các sàn TMĐT, hình thức B2B, B2C – hình thức truyền thống nhất trong ứng dụng TMĐT, hiện nay có xu hướng đó là tổ chức triển lãm trực tuyến và xây dựng mô hình gian hàng quốc gia trên flatform.”- bà Bùi Thanh Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này, theo bà Hằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách đảm bảo đi đúng hướng, bắt kịp xu hướng thị trường, cần tiếp tục phối hợp với Vương quốc Anh để tổ chức, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và xác định TMĐT hay chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc phải làm và là trọng tâm của chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp mình.
Là một trong những doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công nhiều đơn hàng vào thị trường Anh quốc thông qua TMĐT, bà Trần Thị Yến Phi – Giám đốc điều hành Công ty DSW – cho biết, thông qua TMĐT sẽ tiếp cận thị trường dễ dàng hơn nhưng để thuyết phục khách hàng, mỗi doanh nghiệp nên trang bị sản phẩm, kỹ năng giao tiếp để đàm phán thành công thông qua TMĐT.
“Muốn đưa hàng thông qua B2C như Amazon, cần có sự chuẩn bị đưa hàng, gửi hàng, thông qua hải quan và lựa chọn phương thức phù hợp. Đối với B2B qua Alibaba, doanh nghiệp cần phải biết cách thực hiện hợp đồng thương mại, cũng như quy chuẩn hợp đồng đặt ra cho sản phẩm và đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn vào thị trường UK”- bà Trần Thị Yến Phi chia sẻ.
Nguồn: congthuong.vn