Ẩn số giá hồ tiêu xuất khẩu

Dự báo tích cực đối với một số nền kinh tế lớn có thể tác động khiến sức mua hồ tiêu và gia vị khởi sắc trở lại, giúp hỗ trợ giá cả. Song việc Indonesia và Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch cùng với khả năng Trung Quốc sẽ giảm mua lại là yếu tố cản trở sự hồi phục của giá hồ tiêu.

Ngày 8/8, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức sơ kết tình hình ngành hàng hồ tiêu và gia vị 6 tháng đầu năm 2023 kết hợp tổ chức Hội thảo đánh giá về Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam.

Giá xuất khẩu lao dốc

Ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,9 triệu USD, tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu tăng 21,8%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 14,6%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu giảm, chỉ đạt 3.484 USD/tấn đối với tiêu đen và 5.011 USD/tấn đối với tiêu trắng, giảm lần lượt 879 USD và 1.070 USD.

Ông Lê Việt Anh cho biết, trong các năm 2021-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc đều sụt giảm nghiêm trọng. Sau khi mở cửa trở lại, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã thu mua hơn 50 ngàn tấn hồ tiêu giúp thúc đẩy giá tiêu tăng từ tháng 3 đến tháng 5, mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu.

Điều này đã đưa Trung Quốc vươn lên thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 32,9% thị phần xuất khẩu và tăng trưởng tới 798% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống giảm mạnh như Ấn Độ giảm 41,1%, UAE giảm 29,3%, Pakistan giảm 25,9%, Hàn Quốc giảm 54,2%… Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cũng giảm 14%, chỉ đạt 25.894 tấn, chiếm 16,9% thị phần xuất khẩu.

Tại khu vực châu Âu, xuất khẩu cũng giảm 10% đạt 26.963 tấn. Trong đó đầu hết các thị trường truyền thống đều giảm như: Đức giảm 30,4%, Hà Lan giảm 22,3%, Anh giảm 12,9%, Ierland giảm 66,1%.

Tuy nhiên cũng tại thị trường EU ghi nhận xuất khẩu vào một số quốc gia tăng mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ tăng 102,2%; Pháp tăng 31,2%… Xuất khẩu sang châu Phi đạt 7.843 tấn, tăng 17,1% trong đó đứng đầu là Ai Cập tăng 51,1% đạt 2.485 tấn; tiếp theo là Senegal tăng 77,4% đạt 1.763 tấn…

Ông Lê Việt Anh đánh giá, lượng hàng Trung Quốc mua có thể đã đủ dùng trong nước trong ngắn hạn nên việc mua hàng trong thời gian tới có thể sẽ bị giảm, làm cho giá hồ tiêu khó tăng trở lại, cộng thêm việc Indonesia và Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, đánh giá chung thì việc suy giảm sản xuất liên tục thời gian qua tại một số nước, trong đó vụ mùa của Indonesia và Brazil được dự báo thấp hơn năm trước đã dẫn đến giảm mức dự trữ hồ tiêu trên toàn cầu.

Theo VPA, với lượng xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng vừa qua cho thấy lượng hàng năm nay không còn nhiều, dự kiến hết tháng 8 có thể sẽ xuất khẩu hết sản lượng năm 2023, vì vậy có thể hy vọng có tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, dự báo của ngân hàng thế giới đối với một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm nên sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường này sẽ khởi sắc trở lại. Điều này cũng có thể tác động đến giá cả từ đây đến cuối năm.

Cẩn trọng với rủi ro

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, VPA khuyến nghị các doanh nghiệp cần cản trọng trước rủi ro trong thương mại quốc tế. Theo đó, tình trạng giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại và lừa đảo không chỉ xuất hiện tại châu Phi mà còn có ở châu Âu và đặc biệt là tại thị trường Trung Đông như Dubai gần đây với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có trường hợp là đối tác lâu năm vẫn bị lừa, hoặc đối tác thanh toán sòng phẳng lô hàng đầu tiên nhưng lừa đảo ở các lô hàng tiếp theo, với các nhà xuất khẩu khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch với đối tác, đàm phán chặt chẽ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

Hiệp hội lưu ý các doanh nghiệp về một số hình thức thanh toán gặp nhiều rủi ro trên thực tế, như phương thức thanh toán trả sau, nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Cùng với đó là phương thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước do nước sở tại cấp. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho bên thứ 3.

Do đó, VPA khuyến nghị các doanh nghiệp cần chọn các các phương thức thanh toán an toàn như mở L/C. Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán trả sau và séc. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đăng ký dịch vụ đảm bảo an toàn, cần có chụp ảnh, quay phim quá trình giao nhận, lấy đầy đủ chữ ký và kể cả thẻ căn cước của người nhận, thực hiện việc giao nhận trong trụ sở ngân hàng.

Ngoài ra nhà xuất khẩu cũng có thể yêu cầu ngân hàng của mình thực hiện nghiệp vụ xác minh, đánh giá độ tin cậy và dịch vụ của ngân hàng bên mua, đồng thời xác nhận với ngân hàng bên mua trước khi tiến hành gửi chứng từ lô hàng các thông tin chi tiết về địa chỉ và người nhận bộ chứng từ hàng để ràng buộc trách nhiệm ngân hàng gắn với bộ giấy tờ trong các trường hợp rủi ro phát sinh.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/