Biến phụ phẩm cá tra thành sản phẩm xuất khẩu triệu USD
Da cá tra chỉ bán với giá 3.000 đồng/kg, nay khi chế biến thành Collagen và Gelatine đã nâng giá trị lên rất cao, khoảng 3 triệu đồng/kg, góp phần nâng cao giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu nói chung và giá trị của con cá tra nói riêng.
3.000 đồng thành 3 triệu đồng
Đầu tháng 4/2023, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) và Công ty Amicogen Inc (Hàn Quốc) khánh thành nhà máy Aminavico, đồng thời ký kết hợp tác chiến lược giai đoạn 2. Aminavico được xây dựng trên diện tích 11.034m2, là nhà máy công nghệ sinh học tự động hoá, chuyên sản xuất Collagen và Gelatine từ da cá chuẩn công nghệ Hàn Quốc, và cũng là một trong hai nhà máy duy nhất hiện tại của Việt Nam sản xuất được Collagen peptide. Ở giai đoạn 1, Aminavico có công suất chế biến 780 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD. Sau đó, liên doanh Navico và Amicogen tiếp tục hợp tác triển khai chiến lược giai đoạn 2 và 3, nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm.
Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Navico, trước đây (năm 2000), da cá tra chỉ bán với giá 3.000 đồng/kg, nay khi chế biến thành Collagen và Gelatine đã nâng giá trị lên rất cao, giá hàng khi đến tay người tiêu dùng của Amicogen tại Hàn Quốc đạt xấp xỉ hơn 3 triệu đồng/kg, qua đó góp phần nâng cao giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu nói chung và giá trị của con cá tra nói riêng. Hiện đã có đã có 15 khách hàng đăng ký mua sản phẩm này của nhà máy.
Với năng lực sản xuất khoảng hơn 450 tấn nguyên liệu/ngày như hiện nay, mỗi ngày nhà máy chế biến của Navico có thể cung cấp một lượng da rất lớn cho sản xuất Collagen và Gelatine. Hiện tại, cơ cấu lợi nhuận của Navico bao gồm các mảng: cá tra đông lạnh xuất khẩu, nuôi cá nguyên liệu, chế biến thức ăn thuỷ sản, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, phụ phẩm và điện mặt trời. Nếu có thêm sự đóng góp của nhà máy Collagen và Gelatine, ban lãnh đạo Navico kỳ vọng lợi nhuận giai đoạn 1 của nhà máy là 1,5 triệu USD, đóng góp vào 10% lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dự án chiết xuất Collagen và Gelatine từ da cá tra là một phần trong tổ hợp chuỗi hệ thống sản xuất khép kín quy mô lớn của Navico. Đây cũng là dự án chiến lược trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sang các sản phẩm giá trị gia tăng có hàm lượng kỹ thuật cao của Navico. Vì vậy, hướng đi mới của Navico về sản xuất chế biến Collagen và Gelatine theo công nghệ mới hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển khoa học công nghệ của Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tăng trưởng kinh tế.
Nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm
Không chỉ có sản phẩm truyền thống là cá tra phi lê, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ngày càng chú trọng đến tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng cao từ cá tra như: chiết xuất Collagen, Gelatine, dầu cá Ranee, da cá tra sấy. Thống kê hàng năm, ngành thủy sản cung cấp khoảng 4,5 – 5 triệu tấn nguyên liệu cho chế biến thủy sản, trong đó chế biến phi lê cá tra thì có tới 60 – 70% là phụ phẩm.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, phụ phẩm thủy sản là nguồn nguyên liệu đem lại giá trị gia tăng cho ngành khi tận dụng hiệu quả. Muốn đạt được điều này, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển trong lĩnh vực này của Chính phủ – chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phụ phẩm, tiến tới kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.
Việc sản xuất Collagen và Gelatine từ da cá giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá được chi phí và lợi nhuận khi tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm cốt lõi là cá tra phi lê. Theo đó, thay vì bị bỏ đi, da cá được dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất Collagen và Gelatine. Ngoài Navico, đi đầu trong lĩnh vực sản xuất Collagen và Gelatine từ da cá tra tại Đồng Tháp là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cũng giúp đóng góp gần 10% vào lợi nhuận chung của công ty này.
Khai thác giá trị khác từ phụ phẩm là mỡ cá tra, Công ty Cổ phần Dầu cá Châu Á tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (thuộc Tập đoàn Sao Mai, An Giang) đã tinh luyện thành công sản phẩm dầu cá, với thương hiệu “Ranee”. Đây là dầu ăn dinh dưỡng 100% từ cá, chứa đầy đủ những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Công suất sản xuất của nhà máy đạt 400 tấn nguyên liệu/ngày. Theo đó, mỡ cá nguyên liệu được trích từ cá nuôi theo quy trình khép kín, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ thức ăn đến thu hoạch và chế biến, xuất khẩu. Ngoài các phụ phẩm, như: da, mỡ cá tra được sử dụng để tạo ra sản phẩm có giá trị và đạt chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu về dinh dưỡng, sức khỏe, làm đẹp, các phụ phẩm khác của ngành công nghiệp chế biến thủy sản này còn được công ty sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi…
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nâng cấp, đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê… nhằm tận dụng tối đa phụ phẩm, góp phần cho sự phát triển của ngành hàng “tỷ đô” này.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/