Cắt giảm thủ tục, danh mục sản phẩm kiểm tra chuyên ngành
Năm 2021, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) tiếp tục chủ trì đầu mối nghiên cứu, rà soát, đánh giá và triển khai phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Việc rà soát được thực hiện theo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo tính pháp lý đầy đủ và đảm bảo các yêu cầu cần thiết của quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.
Kết quả cụ thể, đó là cắt giảm và đưa ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành đối với nhóm sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa, đồng thời thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế trong thời gian qua.
Ngoài ra, cắt giảm một số mã HS về nguyên liệu, sản phẩm trung gian có nguy cơ rủi ro thấp hơn thuộc nhóm an toàn thực phẩm và chuyển sang phương thức quản lý tại khâu lưu thông trên thị trường.
Sau khi tiến hành việc rà soát cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Danh mục các mặt hàng nhập khẩu (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021 (thay thế Quyết định số 1325A/QĐ-BCT ngày 20/5/2019).
Theo Quyết định này, tổng số mã HS (sau cắt giảm) còn lại là 445 mã HS 8 số. Cụ thể bao gồm: Danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2: 143 mã HS 8 số; danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm: 236 mã HS 8 số; danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành về hiệu suất năng lượng: 66 mã HS 8 số.
Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã tiến hành cắt giảm tổng số 1.446 mã HS/1.891 mã HS, chiếm 76,5% số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. “Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là lớn nhất trong các bộ, ngành. Tuy nhiên, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các thủ tục do Bộ Công Thương quản lý liên tục được cải thiện trong những năm vừa qua” – đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Theo Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương là Bộ dẫn đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu nói chung và công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói riêng, với tỷ lệ hài lòng đạt 41,6% (trong tổng số 3.657 doanh nghiệp được khảo sát).
Ngoài ra, triển khai nhiệm vụ phân công đầu mối về kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, báo cáo theo đề nghị của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ và đề xuất phương án tiếp tục đơn giản hóa các quy định trong QCVN do Bộ Công Thương ban hành và gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ. Các nội dung được thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và kế hoạch đã giao.
Công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai mạnh mẽ theo yêu cầu của Chính phủ và được doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Nguồn: congthuong.vn