Chương trình khuyến công quốc gia: Đẩy nhanh tiến độ, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh

Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã gửi văn bản đến Sở Công Thương các địa phương đề nghị đẩy nhanh tiến độ Chương trình khuyến công quốc gia năm 2021, khảo sát đăng ký kế hoạch năm 2022, tuy nhiên các đề án triển khai phải đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình dịch bệnh

Theo đó, Cục Công Thương địa phương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) đã được phê duyệt, thực hiện hỗ trợ từ ngân sách địa phương năm 2021 hoặc chuyển sang đăng ký kế hoạch KCQG năm 2022. Đối với các đề án đã ký hợp đồng KCQG năm 2021, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, báo cáo kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, tạm ứng kinh phí theo quy định, hoàn thành hợp đồng.

Về kế hoạch KCQG năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến công tác xây dựng, thẩm định đề án và đăng ký kế hoạch của một số địa phương bị chậm tiến độ, hồ sơ đề án đã đăng ký nhưng chưa đầy đủ. Do vậy, Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo đơn vị thực hiện khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án đăng ký kế hoạch KCQG năm 2022 gửi về Cục Công Thương địa phương để thẩm định, trình Bộ Công Thương phê duyệt đảm bảo thời hạn theo quy định.

Trong Văn bản số 794/CTĐP-QLKC, Cục Công Thương địa phương cũng lưu ý, các địa phương xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tổng doanh thu, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với sự chỉ đạo sát sao từ Cục Công Thương địa phương, đồng thời để đảm bảo hoàn thành kế hoạch khuyến công đã đề ra, nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai các hoạt động khảo sát thực tế sản xuất của đối tượng thụ hưởng và đăng ký đề án năm 2022.

Ngay từ cuối tháng 9, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình đã tổ chức kiểm tra thực tế tại 3 cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký đề án KCQG năm 2022. Qua đánh giá, các cơ sở đều đáp ứng được yêu cầu về đăng ký ngành nghề sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ, nhà xưởng, máy móc thiết bị, số lượng lao động. Từ đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đề xuất Sở Công Thương sớm hoàn thành thẩm định cấp cơ sở và trình Cục Công Thương địa phương tiến hành thẩm định cấp bộ làm căn cứ để Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022.

Với Đồng Tháp, bên cạnh việc rốt ráo kiểm tra, giám sát và đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án đã đăng ký năm 2021, Sở Công Thương tỉnh đã triển khai đến UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đề nghị rà soát nhu cầu và đăng ký kinh phí khuyến công hỗ trợ trong năm 2022. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả – vốn là lợi thế của tỉnh.

Theo Cục Công Thương địa phương, số kinh phí KCQG đã được giao là 55.600 triệu đồng, đạt 37% tổng dự toán của Chương trình KCQG năm 2021. Hiện, Cục đã triển khai ký hợp đồng/giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện đề án, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Về chương trình KCQG năm 2022, Cục Công Thương địa phương yêu cầu các địa phương ngoài việc phân tích bối cảnh tình hình, cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn trong chuỗi giá trị từng ngành công nghiệp, khai thác triệt để những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm khôi phục, duy trì và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, chú trọng các giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với diễn biến của dịch Covid-19.

Nguồn: congthuong.vn