Doanh nghiệp ứng phó với biến động xuất khẩu sang Nga – Ukraine
Kéo hàng về, tạm ngưng mọi hoạt động hoặc sắp xếp bán hàng với giá thấp hơn… là những giải pháp đang được các doanh nghiệp Việt ứng phó trước biến động thị trường do chiến tranh giữa Nga – Ukraine trong những ngày qua.
Ông Phan Văn Có – Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice kể, ngay khi chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, doanh nghiệp này đã dự trù các tình huống khó khăn và quyết định tạm hoãn tất cả các đơn hàng liên quan đến thị trường Nga và Ukraine.
“Thực tế thì các đơn hàng sang 2 thị trường này đã phải hủy hết vì không thanh toán được và không có phương tiện giao hàng. May mắn là chúng tôi chỉ xuất khẩu khối lượng gạo khoảng 1.000 mts/năm nên từ tuần trước đã sắp xếp bán hết số hàng này cho một vài đối tác khác với giá thấp hơn”- ông Có chia sẻ.
Với Tập đoàn Phúc Sinh, trung bình 1 năm đang xuất khẩu khoảng 30 triệu USD sang Nga, gồm hạt tiêu, cà phê, điều, dừa, đều là những sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam. Trong số này, doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp khoảng 10%, còn lại 90% xuất khẩu qua các văn phòng, công ty lớn của Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Đức… Tuy vậy ở thời điểm này tất cả đang bị chặn đứng do chiến sự leo thang và các ngân hàng chặn hết chừng từ xuất khẩu sang Nga.
Để giảm thiệt hại, theo ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, với các đơn hàng chưa giao xong Phúc Sinh đã lập tức kéo về, dỡ hàng tại cảng chuyển tải. Điều này vừa giúp giảm thiểu rủi ro ở mức tối đa khi doanh nghiệp bên mua không còn khả năng thanh toán, lại còn có thể giúp Phúc Sinh thu được lợi nhuận tốt hơn khi giá hàng hóa hiện đã tăng rất cao và việc bán hàng đi các thị trường khác vẫn thuận lợi.
“Đối với những đơn hàng đã ký và đang được sản xuất, chúng tôi chọn cách hủy để tránh rủi ro sau này. Tuy vậy hiện có 10% trên tổng lượng hàng được xuất khẩu của chúng tôi là qua 2 thị trường Nga và Ukraine nên chúng tôi đang tìm cách thương lượng với đối tác khác để có thể bán hàng đi”, ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc điều hành Công ty CP XNK Hàng Việt (Viet Products) – cho biết.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn đưa hàng về được và Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm là một trong số đó. Việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đang khiến việc thanh toán giữa Hồ Gươm và khách hàng bị “treo”. Điều này cũng khiến lô hàng trị giá 4 triệu USD của Hồ Gươm dù đã xuất nhưng chưa được thanh toán. Chưa hết, một số hàng của Hồ Gươm dù đã đến Hà Lan nhưng đang bị “giam” vì chưa chuyển được sang Nga.
Theo lãnh đạo của Hồ Gươm, doanh nghiệp đang lưu kho hàng tại Hà Lan và tính tiền hàng ngày. Có thể đến ngưỡng không chịu được chi phí phát sinh doanh nghiệp đành chọn không lấy hàng về…
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp thủy sản. Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù kim ngạch giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn nhưng năm vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mở đường đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Chính vì thế hiện tại họ đang đứng trước lo lắng khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.
Điều các doanh nghiệp lo lắng hiện nay là không chỉ ở 2 thị trường trên mà xuất khẩu đi các nước châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, dù lượng xuất khẩu qua EU ổn định tuy nhiên giá xuất khẩu lại có xu hướng giảm, đó là chưa kể việc vận chuyển sẽ khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, để tránh rủi ro, nhiều ý kiến rằng, doanh nghiệp nên cẩn thận kiểm tra phương tiện vận chuyển có tiếp nhận hàng hay không trước khi ký hợp đồng. Điều này giúp doanh nghiệp tránh trường hợp hợp đồng đã ký, hàng đã chuẩn bị xuất đi nhưng vẫn không giao hàng được.
Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng qua kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chiếm tỷ lệ nhỏ. Đối với thị trường Nga, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt trị giá 555,3 triệu USD các loại, chỉ chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chỉ chiếm 0,8%. Còn đối với thị trường Ukraine, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất đạt 57,5 triệu USD, chỉ chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước và nhập khẩu chỉ đạt 8,4 triệu USD.
Nguồn: congthuong.vn