Ngành hàng bao bì: Đón cơ hội bứt tốc
Nhiều yếu tố cộng hưởng khiến các doanh nghiệp trong nước và FDI tìm cách mở rộng đầu tư, phát triển ngành hàng bao bì, đón cơ hội bứt tốc sau đại dịch.
Diễn biến tích cực của thị trường
Chia sẻ trong một cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Mỹ Lan Group – cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn như: Chi phí sản xuất tăng cao, khan hiếm nguyên liệu… song, Covid-19 cũng là cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới.
Đơn cử, sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) sẽ gia tăng nhu cầu giao hàng tới nhà. Các đơn vị kinh doanh thực phẩm cần những bao bì cải tiến để tăng thời gian bảo quản từ 3 tới 5 lần. “Một miếng thịt lợn nếu đóng gói bằng công nghệ cũ chỉ để được 2 ngày ở tủ mát. Còn đóng gói bằng bao bì công nghệ mới do công ty sản xuất thì bảo quản được 9 ngày” – ông Mỹ nêu ví dụ.
Trước diễn biến tích cực của thị trường bao bì, mới đây, Hội đồng quản trị Công ty CP Thuận Đức đã ban hành nghị quyết về việc đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất túi siêu thị xuất khẩu. Theo đó, công ty sẽ có thêm một nhà máy sản xuất vải PP không dệt, 4 nhà máy in ống đồng điện tử loại 9 màu tự động và các thiết bị phụ trợ cần thiết để sản xuất bao bì PP với tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Còn Công ty CP Bao bì Biên Hòa thì đã thuê đất tại Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (Đồng Nai) để chuẩn bị xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bao bì carton công suất 70.000 tấn/năm.
Các doanh nghiệp FDI cũng nhìn thấy mảng thị trường đầy tiềm năng này tại Việt Nam. Mới đây, SCG Packaging (SCGP), công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa tuyên bố sẽ đầu tư thêm 11,8 tỷ baht (hơn 8.000 tỷ đồng) vào mảng kinh doanh giấy bao bì tại Việt Nam. Cụ thể, SCGP sẽ xây dựng thêm một cơ sở mới tại tỉnh Vĩnh Phúc với công suất dự kiến 870.000 tấn giấy bao bì mỗi năm, gấp 1,74 lần công suất hiện tại và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Ông Wichan Jitpukdee – Giám đốc điều hành SCGP- đánh giá, Việt Nam là địa điểm sản xuất, xuất khẩu quan trọng trong khu vực và cũng là điểm thu hút lớn cho các công ty đa quốc gia tham gia vào thị trường.
Lực đẩy từ thương mại điện tử
Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định, mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn.
Mảng bao bì giấy cũng được hưởng lợi từ tốc độ phát triển nhanh chóng của TMĐT ở thị trường trong nước. Trong khi đó, sản lượng bao bì nhựa trong năm 2021 có thể tăng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 112.000 tấn. Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam vẫn còn lớn.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bao bì đóng gói sẽ mang đến nhiều cơ hội và lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này. Trong đó, sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm tiếp tục là cơ hội lớn cho ngành bao bì phát triển.
Tuy nhiên, ngành sản xuất bao bì cũng đang đứng trước yêu cầu phải giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm hướng tới phát triển bền vững. Trong khi chỉ có ít công ty nội địa đủ khả năng đầu tư công nghệ tiên tiến để phát triển thì các công ty nước ngoài với ưu thế vượt trội có nhiều cơ hội đầu tư dài hạn. Do đó, ngành sản xuất bao bì Việt Nam cần đổi mới hơn nữa, đặc biệt là về công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nguồn: congthuong.vn