Ngành nhôm trước yêu cầu chuyển đổi xanh

Thay vì dùng giá cả mà phải dùng chất lượng hàng hóa để cạnh tranh, gắn nhãn xanh vào sản phẩm để có tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Tăng cường liên kết mở rộng thị trường

Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đại diện cho thị trường lớn nhất và cũng được dự đoán là thị trường phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 5 năm tới do tiêu thụ ngày càng tăng từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Dự báo tốc độ tăng trưởng ngành nhôm Việt Nam đạt 7%/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường xây dựng tăng trưởng thứ 4 của khu vực châu Á. Với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện số nhà máy sản xuất nhôm khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm tăng mạnh, khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, theo lãnh đạo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam: “Cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành nhôm, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh”.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh doanh nghiệp vừa phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, việc chuỗi giá trị thông suốt là vấn đề được đặt ra trong ngành. Về phía Bộ Công Thương, theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, hầu hết doanh nghiệp mới tập trung ở khâu đầu và khâu cuối, để lỡ phân khúc ở giữa luyện nhôm do giá thành sản xuất quá cao. Do đó, việc liên kết và chuỗi giá trị của ngành là hết sức quan trọng. Đối với kiến nghị duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước, ông Chu Thắng Trung cho biết, việc gia hạn và mức thuế chống bán phá giá chúng ta không thể quyết định một cách tùy tiện mà phải dựa vào dữ liệu, kết quả điều tra của cơ quan chức năng và thông tin từ các doanh nghiệp ngành nhôm cung cấp.

Cho rằng ngành nhôm vẫn còn dư địa phát triển, tuy nhiên, bà Phạm Châu Giang, chuyên gia cao cấp Quỹ VinaCapital nhận diện điểm yếu của ngành nhôm Việt Nam là sản phẩm nhôm của Việt Nam khá giống nhau và tập trung chủ yếu vào sản phẩm nhôm thanh định hình, vì vậy, các doanh nghiệp ngành nhôm chủ yếu cạnh tranh về giá. Theo bà Phạm Châu Giang, một lợi thế của doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam đó là số lượng doanh nghiệp FDI tham gia mảng ngành hàng này còn hạn chế. Nhôm là sản phẩm khá đặc biệt khi phần lớn vẫn nằm trong tay khối doanh nghiệp nội, vì vậy các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Chuyển đổi xanh tránh rủi ro đánh thuế carbon

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ) nhấn mạnh cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp ngành nhôm với nhau. Đây là việc làm rất quan trọng, nếu không bắt tay nhau thì tất cả suy kiệt trước sức cạnh tranh của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cũng nêu lên vấn đề doanh nghiệp ngành nhôm đối diện trong thời gian gần là chuyển đổi xanh.

Theo đại diện Ban IV, đối với việc kiểm kê khí nhà kính, ban đầu doanh nghiệp có thể cho rằng đó là gánh nặng nhưng các chuyên gia quốc tế phân tích, điều đó giống như làm doanh nghiệp thực hiện việc kiểm toán. “Khi mình chứng minh được nỗ lực, minh bạch dữ liệu thì uy tín, đánh giá trong mắt nhà đầu tư, nhà nhập khẩu, nhà mua, kênh tính dụng tài chính xanh nâng lên rất cao”, bà Thủy nói.

Bà Phạm Châu Giang cho rằng, trong 2-3 năm tới trở ngại với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đối với ngành nhôm, đó là vấn đề phát thải carbon. Thời gian qua Chính phủ có những động thái quyết liệt thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050. Theo lộ trình hiện nay, bà Phạm Châu Giang cho rằng, trước mắt năm 2027-2028 các doanh nghiệp phải bước đầu đưa ra những cải tiến giảm phát thải carbon nếu không sẽ phải đối mặt với một số mức thuế, phí nhất định. “Đặc biệt khi xuất khẩu sang EU, nhôm là một trong năm ngành đầu tiên phải đóng thuế carbon nếu như không đưa ra đc các giải pháp giảm phát thải carbon. Tiếp theo các nước xuất khẩu khác sẽ lần lượt áp thuế carbon nếu doanh nghiệp không chủ động chuyển đổi. Đó là vấn đề không thể không tính đến trong giai đoạn tới”, bà Giang đánh giá.

Theo các chuyên gia, ngành nhôm tuổi đời chưa lâu nhưng đã qua thời kì được bảo hộ thương mại nhất định. Do đó doanh nghiệp ngành nhôm phải có chiến lược quản trị, thích ứng với các yêu cầu mới về chuyển đổi xanh, xác định thị trường đa dạng hóa sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tích hợp năng lượng sạch vào sản xuất để tăng giá trị sản phẩm nhôm. Điều đó giúp tăng sự cạnh tranh thương mại của doanh nghiệp và tránh bị đánh thuế về carbon không chỉ ở châu Âu mà cả Mỹ. Về mặt dài hạn doanh nghiệp phải lập kế hoạch chuyển dịch năng lượng, sử dụng ít than, dầu khí thay vào đó là sử dụng nhiều năng lượng tái tạo và thu thập số liệu đó.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể tự nâng cao năng lực về kiểm kê khí nhà kính thông qua việc quản trị. Điều đó vừa là thước đo sự trưởng thành của doanh nghiệp, cũng là cơ hội để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao phân khúc khách hàng. Tránh dùng giá cả để cạnh tranh mà phải dùng chất lượng hàng hóa để cạnh tranh, gắn nhãn xanh vào sản phẩm của mình để có tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/