Ngành thép trước mối lo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM
Trong khi tiêu thụ trong nước gặp khó khăn thì xuất khẩu thép của Việt Nam vào EU đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, tới đây, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), xuất khẩu sang EU sẽ bị tác động trực tiếp.
Công cụ chính sách mới của EU
Trong nhiều năm qua, EU là đối tác thương mại hai chiều quan trọng thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa thứ 15 của EU và là đối tác thương mại nổi bật nhất của EU trong ASEAN. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu hàng hóa của Việt Nam sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng xuất khẩu thép 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,36 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và giảm nhẹ về trị giá xuất khẩu.
Từ ngày 1/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU – một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao – bắt đầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Trong đó, sắt thép là một trong các nhóm hàng hóa áp dụng đầu tiên cùng với xi măng, nhôm, phân bón, hydrogen và điện.
Giai đoạn thực hiện đầy đủ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2026, khi đó nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh sẽ phải mua giấy chứng nhận của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và phải khai báo số lượng hàng hóa cũng như phát thải gắn liền trong những hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua. Việt Nam cũng xác định công cụ định giá carbon được áp dụng trong thời gian tới là thị trường carbon nội địa thông qua việc áp dụng hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng phát thải lớn.
Sản xuất xanh là xu thế tất yếu
Bà Lê Huyền Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương thông tin về những khái niệm và mức độ nguy hiểm, hệ lụy của rò rỉ carbon mà thế giới đang đối mặt. Vì vậy, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là một cơ chế rất cần thiết, nhất là đối với ngành thép bởi ngành thép được xem là ngành có nhiều nguy cơ gây tác hại cho môi trường.
Về lâu dài, sản xuất xanh là xu thế chung, tất yếu của thế giới, không chỉ EU mà các thị trường khác cũng sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe… với sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam buộc phải có định hướng đổi mới sản xuất và quy trình để bắt nhịp với xu thế phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) chính là một trong những điều kiện cần và đủ.
Theo lãnh đạo Posco Hàn Quốc, CBAM ảnh hưởng nhiều tới ngành thép. Theo đó, để ứng phó với quy định này, Posco Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon. Để thực hiện mục tiêu này, lộ trình từ nay tới năm 2040, Posco sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon. Đây là thách thức không đơn giản. Để làm được điều này lãnh đạo Posco Hàn Quốc cho biết đang khai thác một kỹ thuật tiên tiến mới là không dùng carbon sản xuất thép mà thay thế bằng hydro.
Lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết đã nắm rõ lộ trình áp dụng cơ chế CBAM, nhưng vẫn còn một số vấn đề về cơ chế chưa rõ. “Bản thân tôi năm ngoái đã đến châu Âu 5 lần để nói chuyện vấn đề này. EU cũng nhận định còn một số vấn đề liên quan tới cơ chế. Tuy nhiên, họ vẫn kiên quyết với lộ trình, các doanh nghiệp thép, trong đó có Việt Nam phải thực hiện chế độ báo cáo, nếu thông tin không chính xác thì sẽ bị phạt tiền”, lãnh đạo Posco thông tin và cho rằng, đây sẽ là rào cản thương mại với ngành thép, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành thép cần có tiếng nói chung để đi xa hơn, ứng phó với cơ chế CBMA.
Ông Nghiêm Xuân Đa cho biết, ngành thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đang tiếp tục thực hiện phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng để có các hành động đáp ứng được CBAM. Đồng thời, tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động tới Việt Nam đối với các ngành thép có rủi ro rò rỉ carbon cao theo danh sách của EU. Nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon đối với mọi ngành sản xuất, bảo đảm tính cạnh tranh với thế giới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10/2023, giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024. Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa trong đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên EU.
Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Theo quy định có hiệu lực vào 16/5/2023, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính trong thời gian này.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, CBAM sẽ hoạt động như sau: các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Nhà nhập khẩu EU phải khai báo trước ngày 31/5 hàng năm số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.
Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba, rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/