Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Trái ngược với bức tranh xuất khẩu ảm đạm của nhiều ngành hàng, một số mặt hàng nông sản đã phá kỷ lục trong 5 tháng, trong đó, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đã đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kì năm trước. Đây cũng là ngành hàng được dự báo có thể vượt mức 4 tỉ USD trong năm nay.

Xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đột phá

Trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5/2023 ước đạt 4,85 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2023 đạt 20,26 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%. Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,47 tỷ USD; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 5,52 tỷ USD…

5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 9,73 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 4,42 tỷ USD, giảm 34,6%; châu Âu đạt 2,42 tỷ USD, giảm 13,2%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 5,6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đạt gần 10 tỷ USD… Có 3 mặt hàng nông sản là gạo, cà phê và rau quả đạt kết quả cao chưa từng có. Theo đó, gạo xuất khẩu đạt 2,02 tỉ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước; cà phê đạt 2,02 tỉ USD, tăng 0,2% (khả năng vượt mốc kỷ lục 4 tỉ USD của năm 2022) và rau quả đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39%. Không những thế, cả 3 mặt hàng này đều xuất siêu với giá trị lớn khi cà phê thặng dư 1,87 tỉ USD; gạo 1,59 tỉ USD và rau quả 1,21 tỉ USD. Đây có thể coi là điểm sáng của ngành nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu trái sầu riêng tăng rất mạnh, đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022, với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.

Tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5 đầu năm, sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung chủ yếu vào chăm sóc và thu hoạch lúa và rau màu vụ Đông Xuân; gieo cấy lúa Hè Thu; tháo gỡ khó khăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; hỗ trợ và khuyến khích ngư dân tích cực bám biển và nghiêm túc thực hiện các quy định về IUU. Trong nước, các mặt hàng quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại sắp vào vụ thu hoạch (xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nếu thuận lợi, xúc tiến thương mại mạnh mẽ và quyết liệt, các nhóm ngành hàng như lúa gạo, rau quả hết quý 3/2023 sẽ đạt được kết quả bằng quý 3/2022, quý 4/2023 tăng tốc thì con số 55 tỷ xuất khẩu nông lâm thuỷ sản có thể về đích.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tập trung chỉ đạo sản xuất để duy trì đà tăng trưởng, chú trọng công tác thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Ngành nông nghiệp cũng xác định sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động như: diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu rau gia vị và gia vị sang thị trường EU; các diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch trong tháng 6 (vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh…).

Ngoài việc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký Nghị định thư với chủng loại quả măng cụt và chuối. Hiện Việt Nam cũng đang đàm phán để ký Nghị định thư với Trung Quốc các chủng loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Đồng thời đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu các chủng loại quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/