Tăng tốc xuất khẩu nông sản, thực phẩm từ xúc tiến thương mại số

Xuất khẩu trực tuyến nông sản, thực phẩm hiện mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng đang tăng trưởng với tốc độ rất cao nhờ sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số như hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số…

Ngày càng có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có vị trí địa lý gần với Việt Nam và có nét văn hóa tương đồng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan…

Các quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên toàn thế giới cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào lĩnh vực xúc tiến thương mại như Úc, Mỹ, Hà Lan… với rất nhiều mô hình thành công và hiệu quả trên thực tiễn.

Các nội dung, cách thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn, không chỉ giới hạn ở hạ tầng và kỹ năng công nghệ thông tin mà còn phát triển hơn về phương thức, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại.

Phát biểu tại một hội nghị về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại trong khuôn khổ triển lãm Food Expo 2023 mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp; đồng thời phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động cụ thể và thực tiễn nhằm đồng hành hiệu quả nhất với các doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… đã được triển khai thời gian qua. Các hoạt động này không chỉ mang lại các kết quả ban đầu mà còn khẳng định là giải pháp đổi mới phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Theo ông Joseph Wozniak, Giám đốc Chương trình Thương mại vì sự Phát triển bền vững, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, đồng thời giúp quản lý tài nguyên chính xác, giảm chất thải và giảm thiểu tác động môi trường. Qua đó giúp tạo dựng niềm tin của khách hàng vào sản phẩm.

Theo ông Wozniak, tại Việt Nam hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp được ITC phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số và sản xuất thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh ở lĩnh vực này trên thị trường trong quá trình hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam nhận định, thị phần trực tuyến của ngành thực phẩm và đồ uống vẫn ở mức thấp song tốc độ tăng trưởng lại rất cao với đà tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 15,8%, cho thấy ngành đang có tiềm năng lớn.

Từ khi chính thức có mặt tại thị trường năm 2009, Alibaba.com Việt Nam đã hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam xuất khẩu trực tuyến sản phẩm thuộc hơn 40 ngành hàng đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Không chỉ giúp mở rộng mạng lưới tiêu thụ, theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam, công nghệ còn góp phần quan trọng giúp gia tăng thị phần của các ngành hàng. Như tại TikTok, hình ảnh, câu chuyện sản phẩm được giới thiệu trực quan đã giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng đông đảo. Việc tương tác trực tiếp giúp các nhà cung cấp nhận được phản hồi nhanh chóng từ khách hàng và hình thức bán hàng trực tuyến, thông qua livestream mang về doanh thu lớn.

Còn theo ông Bùi Cao Học, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ CloudGo, các nền tảng số mang đến nguồn dữ liệu đồ sộ, giúp nhà bán hàng nâng cao khả năng tiếp cận, phân loại khách hàng tiềm năng để tối ưu hóa hiệu quả khai thác thị trường.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, trên 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp, khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp và khoảng 9.400 siêu thị và chợ hạng 1…

Những dữ liệu này cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Việc thu thập dữ liệu chi tiết về những thành phần và hoạt động của các đối tượng này cũng sẽ mang lại những lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khi thâm nhập thị trường nông sản, thực phẩm.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/