Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP chưa cao
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam tăng đều trong 5 năm qua, nhưng vẫn có khoảng 4 tỷ USD, tức khoảng 60% các sản phẩm được hưởng thuế CPTPP bằng 0 nhưng vẫn chưa tận dụng được.
Xuất khẩu sang Canada tăng hơn gấp đôi sau 5 năm thực thi CPTPP
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada hiện là một trong mười đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021 và 5 năm sau khi thực thi CPTPP xuất khẩu sang Canada đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ năm 2018 lên đến 9,9 tỷ năm 2022. Đây là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Canada đến nay vẫn được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo MFN, GSP và CPTPP. Thực tế cho thấy, sau khi thực thi CPTPP thì xuất khẩu của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như: điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả hay kể cả các sản phẩm khác như gạo điều, chè, cà phê… thì dù sử dụng ưu đãi nào cũng tăng đột biến.
“Điều đó cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực, hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics… giữa Việt Nam và Canada”, bà Trần Thu Quỳnh cho biết.
Mặc dù vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng đánh giá, theo nghiên cứu mới đây của thương vụ, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu sang Canada vẫn chưa cao, mới đạt khoảng 18%, 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT (thuế quan ưu đãi do Canada áp dụng cho các nước đang và kém phát triển), GSP.
“Mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều nhưng khoảng 4 tỷ USD, tức khoảng 60% các sản phẩm của chúng ta đáng lý được hưởng thuế CPTPP bằng 0 thì vẫn chưa tận dụng được”, bà Trần Thu Quỳnh cho biết.
Chỉ khai thác tốt khi hai bên cùng vận dụng
Do đó, đại diện Thương vụ Việt Nam ở Canada cho rằng, để khai thác Hiệp định thương mại tự do nói chung và khai thác CPTPP nói riêng không chỉ là khai thác các ưu đãi về thuế để nhằm thúc đẩy xuất khẩu ngắn hạn mà các doanh nghiệp cần phải nhằm vào những cơ hội lớn hơn. Đó là sự kết nối về sản xuất, đầu tư, công nghệ, thương hiệu giữa các nước trong những hiệp định thương mại tự do để tạo ra chuỗi giá trị cao hơn.
Cụ thể, đối với địa bàn Canada thì thương vụ luôn khuyến khích các doanh nghiệp của Việt Nam nghĩ đến thị trường CPTPP không chỉ riêng đến xuất khẩu mà phải nghĩ đến cả những khả năng tham gia mua sắm Chính phủ, đấu thầu Chính phủ hay là hợp tác công tư ở nước ngoài mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Ngoài ra cũng cần phải tạo thêm được sự liên kết giữa xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ. Bởi vì mảng xuất khẩu dịch vụ vẫn là mảng còn đang bỏ ngỏ và chưa tận dụng được nhiều cơ hội.
Bà Trần Thu Quỳnh cho biết, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm hay kết nối đơn hàng… thì Thương vụ Việt Nam tại Canada tập trung tuyên truyền cách thức khai thác và sử dụng CPTPP tại Canada, nhằm giúp các doanh nghiệp Canada hiểu rõ hơn cơ hội làm ăn kinh doanh với các doanh nghiệp ở Việt Nam và ngược lại.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, khai thác tốt CPTPP chỉ có thể thực hiện được khi doanh nghiệp của cả hai nước cùng hiểu để vận dụng và cùng có chiến lược tìm nguồn cung đầu vào tối ưu và có khả năng đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
Đáng lưu ý, hiện nay Việt Nam ngoài được hưởng ưu đãi CPTPP thì còn được hưởng cả ưu đãi MFN và GSP. Với ưu đãi nào thì nhiều mặt hàng vẫn được hưởng ưu đãi thuế bằng 0%, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu Canada vẫn thích các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu dưới form CPTPP.
Bởi chính các nhà sản xuất Canada cũng quan tâm đến việc tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong chiến lược mua nguyên liệu đầu vào, khi sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường mà cả Việt Nam và Canada cùng có Hiệp định thương mại tự do.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/