Việt Nam – Singapore: Nhiều dư địa để đẩy mạnh thương mại, đầu tư
Với vị trí địa lý đặc thù, Singapore trở thành trạm trung chuyển thương mại lớn của thế giới. Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu mới nổi với nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh lớn tại khu vực ASEAN và thế giới. Với những lợi thế về năng lực cung ứng, năng lực thương mại, doanh nghiệp hai nước đang có tiềm năng vô cùng lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay là hai quốc gia duy nhất trong khu vực có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Anh.
Nhiều tiềm năng hợp tác
Trong những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore phát triển tích cực. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn, thư/điện mừng/thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội không ngừng được mở rộng. Hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp song phương.
Về hợp tác kinh tế, trong giai đoạn 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Singapore tăng trưởng ổn định (trung bình 6,3%/năm trong cả giai đoạn). Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch song song tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tới tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam xuất khẩu sang Singapore, các mặt hàng chế biến, chế tạo như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh.Nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore cũng chủ yếu là các mặt hàng chế biến, chế tạo bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện.
Từ ngày 24-26/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore. Chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm phát triển kinh tế và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh; đưa ra thông điệp quan trọng, giúp các nhà đầu tư Singapore yên tâm tiếp tục làm ăn tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay do dịch COVID-19 gây ra.
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Singapore là một thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu. Đồng thời Singapore là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Đáng chú ý, hệ thống cảng biển Singapore hiện được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia, thông qua 200 tuyến vận chuyển. Có khoảng 5% lượng hàng được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Singapore để phục vụ người tiêu dùng bản địa, và từ đó có thể tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này.
Ngoài ra, Singapore là một nước không có nền nông nghiệp, nhưng thực phẩm chế biến vẫn là một trong Top 10 sản phẩm có tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của Singapore. Hàng năm, Singapore xuất khẩu ra thế giới trung bình khoảng 8 tỷ USD giá trị hàng thực phẩm chế biến.Trong khi đó, các FTA giữa EU và Vương quốc Anh với Singapore có nội dung cam kết mở cửa cho các thực phẩm chế biến tại Singapore với mức hạn ngạch miễn thuế vào các thị trường này lần lượt là 1.250 tấn và 350 tấn. Tuy nhiên, kể từ khi ký FTA với EU, Singapore hầu như vẫn chưa tận dụng được các mức hạn ngạch này. Các cơ quan và doanh nghiệp Singapore đang rất quan tâm tìm cách thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm chế biến để khai thác hạn ngạch, thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nông sản thô từ Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể tận dụng từ các FTA đã ký kết để tăng cường hợp tác, đặc biệt là tận dụng nguyên tắc xuất xứ để phối hợp sản xuất OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), cùng khai thác thương hiệu và mạng lưới đối tác nhập khẩu, phát triển các cơ chế hợp tác logistics và thương mại điện tử cho lĩnh vực thực phẩm chế biến để cùng thâm nhập thị trường EU và Vương quốc Anh.
Thực tế, năm 2021, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có nhiều hoạt động nỗ lực đưa hàng Việt Nam vào thị trường quốc đảo sư tử này. Đơn cử như tháng 12/2021, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore tại hai hệ thống siêu thị lớn là NTUC FairPrice và Hao Mart. Điều này khẳng định những nỗ lực đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Singapore nhằm đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối của các tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết các mặt hàng thành công đưa vào hệ thống siêu thị lần này là kết quả trực tiếp của công tác kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp của Thương vụ trong năm 2021, trong đó phải kể đến sự thành công của triển lãm hybrid Tuần lễ thương hiệu Việt Nam tại Singapore tổ chức hồi tháng 8/2021. Bên cạnh hoạt động Tuần lễ hàng tại các hệ thống siêu thị Singapore, Thương vụ còn tiếp tục phối hợp với các nhà hàng Việt Nam tại Singapore để trình diễn một số món ăn Việt Nam (cooking shows) nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản – thực phẩm của Việt Nam thông qua nghệ thuật ẩm thực. Clips hướng dẫn nấu ăn trực tiếp “điểm danh” các sản phẩm của Việt Nam có mặt tại hệ thống siêu thị, với công thức chế biến cụ thể là biện pháp thuyết phục hữu hiệu người tiêu dùng tại Singapore lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam để chế biến trong dịp Giáng sinh….
Cùng với hợp tác về thương mại, một điểm sáng khác trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore là đầu tư. Tính đến tháng 02/2022, Singapore đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, và đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư Singpore rất quan tâm đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, cũng như các lợi thế bổ sung của hai nước.
Tận dụng thương mại điện tử đưa hàng Việt vào Singapore
Tuy là một đất nước nhỏ với chưa đầy 6 triệu dân, nhưng mức tiêu dùng qua thương mại điện tử (TMĐT) của Singapore có thể nói gần tương đương với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân của Việt Nam. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Singapore thông qua TMĐT vì độ dung nạp của thị trường lớn. Người tiêu dùng Singapore có xu hướng phụ thuộc vào TMĐT nhiều hơn người dân các nước khác do cường độ làm việc cao, nền tảng thanh toán thuận lợi an toàn và tốc độ Internet cao.
Hiện nay, ở Singapore, có rất nhiều sàn TMĐT đang hoạt động như: Shopee, Lazada, Amazon.sg, Qoo10, Ezbuy, Ebay. Một số sàn chuyên về thời trang, mỹ phẩm như: Zalora, Reebonz, Love Bonito, Althea; và các sàn chuyên về nội thất, phong cách sống là: Courts, Castlery, Forty Two, Hip Van, Tangs, Horme; các sàn chuyên về thực phẩm là Redmart, Fairprice marketplace… Hầu hết các sàn TMĐT đều cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài trừ Amazon.sg và các sàn chuyên về thực phẩm. Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch TMĐT thông thường là 7,5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển.
Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn tham gia các sàn TMĐT ở Singapore thông qua các doanh nghiệp cung ứng trung gian dịch vụ. Nhà cung ứng dịch vụ trung gian này đứng ra là nhà nhập khẩu (xin giấy phép nhập khẩu), làm thủ tục hải quan, cung ứng dịch vụ lưu kho, giao nhận và trung gian bán hàng trên một hoặc cùng lúc trên nhiều sàn TMĐT.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho hay, đến nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tham gia TMĐT ở Singapore chủ yếu là trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, có rất ít doanh nghiệp tham gia vào các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như đồ nội thất, quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng… Đối với các mặt hàng này, do dễ dàng thực hiện đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài, các doanh nghiệp có thể tự đăng ký tài khoản và “mở quầy” trực tiếp với các sàn, ví dụ như Lazada, Shopee… Tuy nhiên, đối với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, do liên quan đến quy định giấy phép nhập khẩu thực phẩm, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhà nhập khẩu tại Singapore để làm thủ tục xin cấp phép tại Cơ quan thực phẩm Singapore nếu muốn bán hàng qua các sàn Amazon.sg, Redmart, Fairprice marketplace…
Hiện nay, ở Singapore có nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian bán hàng trên các sàn TMĐT với giá cả cạnh tranh và với mức độ cung cấp dịch vụ sâu rộng và chất lượng khác nhau (công nghệ quản lý lưu kho, mức độ cập nhật của báo cáo và kiểm kê, quản lý tài khoản thu hộ…), Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến nghị các doanh nghiệp liên hệ với Thương vụ để có thêm thông tin và sự lựa chọn tin cậy.
Nguồn: congthuong.vn