Việt Nam xuất khẩu 65 triệu sản phẩm denim mỗi năm

Sau 3 năm gián đoạn do dịch COVID-19, các nhà sản xuất denim của Việt Nam và thế giới sẽ giới thiệu những cải tiến mới nhất trong sản xuất của ngành tại Triển lãm quốc tế Denimsandjeans về chuỗi cung ứng denim và đồ thể thao lần thứ 5, diễn ra trong hai ngày 1 và 2/3 tới đây tại TPHCM.

Thông tin về Triển lãm quốc tế Denimsandjeans, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, một trong những nội dung quan trọng của triển lãm này là các cuộc hội thảo về xu hướng và công nghệ sản xuất denim trên thế giới, như công nghệ giặt là, sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI cho hoạt động sáng tạo của ngành và tầm nhìn của denim đến năm 2030. Trong đó có chủ đề “Việt Nam đóng vai trò như thế nào đối với vòng tuần hoàn của ngành công nghiệp denim”.

Đại diện Hiệp hội Bông Hoa Kỳ sẽ giới thiệu về Chương trình U.S. cotton trust protocol, là hệ thống tiêu chuẩn mới cho ngành bông bền vững, như một yêu cầu với các nhà sản xuất bông, sợi trên thế giới khi xuất khẩu sản phẩm may mặc vào thị trường Hoa Kỳ…

Trong lần tổ chức thứ 5 tại Việt Nam, Triển lãm quốc tế Denimsandjeans 2023 sẽ ra mắt khu vực “DENIM BAZAAR”, để trưng bày những mặt hàng denim sáng tạo của các thương hiệu thời trang Việt Nam, trong đó có denim tái chế.

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu hơn 65 triệu chiếc quần, áo denim cho thị trường toàn cầu. Với ưu đãi thuế suất vào thị trường EU hiện chỉ từ 4-6% và sẽ bằng 0% trong 2 năm tới theo quy định của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), sản xuất denim của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong những năm tới.

Ngành công nghiệp sản xuất denim của Việt Nam đang cải tiến theo các quy trình sản xuất bền vững. Đây cũng là lợi thế cho ngành hàng này xuất khẩu vào châu Âu khi thị trường đang đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với green washing.

Do vậy, Triển lãm quốc tế Denimsandjeans 2023 cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất denim Việt Nam chứng minh với các nhà mua trên thế giới về khả năng đáp ứng các dịch vụ cung ứng denim theo yêu cầu ngày càng khắt khe về sản xuất bền vững.

Triển lãm còn giới thiệu đến khách tham quan khả năng ứng dụng rất thân thiện của sản phẩm may mặc từ denim vào cuộc sống thông qua chương trình YOGIM. Sự kiện cho thấy các nhà sản xuất denim từ Việt Nam và trên thế giới đang tập trung vào tính năng gần gũi với thiên nhiên thông qua những quy trình sản xuất bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tín hiệu tích cực với ngành dệt may ở thời điểm này là sự hỗ trợ của Chính phủ cho chương trình mục tiêu xúc tiến quốc gia.

Cụ thể, VITAS đã xây dựng dự án hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ quốc tế tại Hoa Kỳ, Đức và Australia. Chính phủ đã phê duyệt hỗ trợ doanh nghiệp dệt may kinh phí gian hàng khi tham gia các hội chợ ở 3 thị trường trên.

“Khoản hỗ trợ này lên đến 5.000 USD/gian hàng được chi trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ. VITAS sẽ tìm kiếm các hội chợ dệt may phù hợp để doanh nghiệp tham quảng bá một cách hiệu quả, nhất là với thị trường mới như Australia”, bà Tuyết Mai cho biết.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/