Xây dựng pháp luật thực thi CPTPP: Mở rộng cách tiếp cận
Theo các chuyên gia, việc xây dựng pháp luật thực thi CPTPP và các FTA khác trong thời gian tới, cần mở rộng cách tiếp cận theo hướng đưa ra các quy định chủ động thực hiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khai thác cơ hội.
Tại Hội thảo “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP: Đánh giá hiệu quả và hàm ý chính sách”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đánh giá, pháp luật thực thi CPTPP được ban hành thời gian qua đã đảm bảo tương thích, hiệu lực, mang lại lợi ích…
Đánh giá của VCCI cho thấy, pháp luật thực thi CPTPP chất lượng xây dựng đã được nâng cao, đảm bảo hiệu lực, tương thích, minh bạch, khả thi… Các cơ quan xây dựng pháp luật đã tham vấn và tiếp thu ý kiến DN và các bên liên quan. Các cam kết về thương mại hàng hóa đã góp phần giúp DN khai thác khá tốt cơ hội từ thị trường CPTPP, nhất là thị trường Canada, Mexico…
Đại diện cơ quan tổng hợp thực thi cam kết CPTPP, ông Ngô Trung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết: Trong khoảng hơn một năm xây dựng pháp luật thực thi CPTPP, số lượng văn bản cần sửa đổi, ban hành mới là rất lớn, đồ sộ. Cấp trung ương đã xây dựng và ban hành 19 văn bản luật, nghị định, thông tư và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã có hơn 460 văn bản sửa đổi, ban hành mới đề cập đến CPTPP. Nhiều văn bản pháp luật ban hành chậm bởi lý do phức tạp về mặt kỹ thuật. Xét tổng thể, tư duy xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã được nâng tầm, với cách tiếp cận sẵn sàng chấp nhận các tiêu chuẩn cao hơn mức độ cam kết so với trong khuôn khổ WTO.
Tuy nhiên, theo VCCI, trong quá trình rà soát và xây dựng pháp luật, việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và giải trình các quy định đưa ra vẫn chưa được đề cao, cộng đồng DN chưa biết để đóng góp ý kiến. Toàn bộ các văn bản thực thi CPTPP đều ban hành chậm so với thời điểm có hiệu lực, trung bình mỗi văn bản chậm khoảng 246 ngày, có cam kết vẫn chưa thể thực thi được (về đấu thầu), khiến các DN chưa tận dụng tốt nhất các cơ hội kinh doanh.
Các DN rất kỳ vọng công tác xây dựng pháp luật thực thi CPTPP cũng như các FTA trong thời gian tới, sẽ làm tốt hơn, đồng thời có thể mở rộng các tiêu chuẩn theo cam kết để tạo thuận lợi cho DN. Quá trình rà soát và xây dựng pháp luật, cần có cách tiếp cận liên ngành, bao trùm, DN cần được biết và tham gia ý kiến, khi thực thi cần có đầu mối hướng dẫn cho DN và chủ động tiếp thu các vướng mắc từ thực tiễn để điều chỉnh kịp thời.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI – cho rằng, Việt Nam đã hội nhập quốc tế từ đơn giản đến phức tạp, từ bị động đến chủ động và có thể tham gia kiến tạo các “cuộc chơi”. Từ phạm vi cam kết với các đối tác, có thể mở rộng cách tiếp cận xây dựng pháp luật theo hướng đưa ra các qui định chủ động thực hiện, tạo thuận lợi cho DN về thời gian, không gian, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phí, lệ phí… để khai thác cơ hội.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xây dựng pháp luật thực thi CPTPP và các FTA tốt sẽ nâng cao được năng lực thể chế, năng lực hoạt động cho DN… Vì vậy, cần có tầm nhìn xa trong xây dựng pháp luật phục vụ hội nhập và phát triển đất nước, mang lại lợi ích cho người dân và DN.
Nguồn: congthuong.vn