Xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 9 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ là điểm sáng

Trong đó, xuất khẩu lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%. Đáng chú ý, Hoa Kỳ khép lại vụ Điều tra theo Mục 301, tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gỗ Việt Nam.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ NN&PTNT diễn ra sáng ngày 5/9, ông Nguyễn Văn Việt- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT)- cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á (chiếm 42,2% thị phần), châu Hoa Kỳ (30,7%), châu Âu (11,3%), châu Đại Dương (1,5%) và châu Phi (1,9%). Trong đó, 04 thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ (28,6%), Trung Quốc (19,1%), Nhật Bản (6,8%) và Hàn Quốc (4,3%).

Tại cuộc họp báo, các vấn đề liên quan đến việc Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo Mục 301 đối với gỗ Việt Nam; vấn đề tháo gỡ thẻ vàng đối với hải sản của Ủy ban châu Âu (EC)… được các phóng viên đặt vấn đề.

Liên quan đến việc Việt Nam – Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo Mục 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) – cho biết, điều tra này được tiến hành trong vòng 1 năm qua, đến ngày 1/10 vừa qua, chính thức được khép lại khi Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Thỏa thuận này có 3 ý nghĩa lớn: thứ nhất đó là Hoa Kỳ không áp thuế với gỗ Việt Nam (đây là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam), điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Thứ hai, qua vụ việc này để thấy Việt Nam chia sẻ thông tin rất minh bạch cho Hoa Kỳ, thể hiện nền nông nghiệp có uy tín, trách nhiệm bền vững. “Trong thông cáo báo chí của Hoa Kỳ sau khi kết thúc vụ việc điều tra, họ lấy Việt Nam làm hình mẫu thoả thuận thương mại bền vững trên toàn cầu”, ông Tuấn cho biết.

Thứ ba, với thỏa thuận thương mại quốc tế trên sẽ giúp chuyển đổi ngành lâm nghiệp Việt Nam theo cách làm căn cơ, bài bản, theo đúng hướng bền vững, tăng trưởng nhanh.

Nói thêm về vụ việc lần này, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 14,6 triệu ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha. Vừa qua, Việt Nam đã cố gắng phát triển ngành lâm nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Chuyển đổi kinh tế trong lâm nghiệp thấy rõ, phấn đấu cả năm nay sẽ xuất khẩu lâm sản đạt 14,5 tỷ USD. “Kết quả tích cực từ vụ Điều tra 301 sẽ là động lực để ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đa dạng thêm các sản phẩm để nâng cao giá trị”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Có thể gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản vào năm 2022?

Liên quan đến vấn đề có hay không nguy cơ EC phạt “thẻ đỏ” với thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản- cho biết còn 15 ngày nữa là đúng 4 năm Việt Nam triển khai gỡ thẻ vàng của EC. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Việc bị EC phạt thẻ vàng, thủy sản Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang EU. Theo thông tin mới nhất, EC sẽ không sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngày 27/10 tới đây, EC sẽ làm việc trực tuyến với Tổng cục Thủy sản về vấn đề này.

Về cơ bản, thời gian qua, phía EC cũng đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng. Trước sự nỗ lực của Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, nguy cơ EC nâng từ thẻ vàng lên thành thẻ đỏ là ít xảy ra, theo đó nhiệm vụ của Việt Nam là cố gắng gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã hứa cam kết chấm dứt vi phạm tàu cá ở vùng biển trước ngoài trước 31/12/2021, đây là tiêu chí quan trọng để phía EC gỡ thẻ vàng”, ông Nguyễn Quang Hùng nói.

Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết nếu lời hứa này được các cấp cơ sở thực hiện tốt thì năm 2022, cùng với việc triển khai các giải pháp mà phía EC khuyến cáo, Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng.

Còn theo ông Phùng Đức Tiến, việc thủy sản xuất sang EU bị thẻ vàng sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thủ tục kéo dài, chi phí tăng cao. “Thậm chí đây cũng là lý do để nhiều thị trường đưa Việt Nam vào diện theo dõi đặc biệt. Bằng chứng là chúng ta vẫn đang trong cuộc điều trần với Hoa Kỳ về ngành thủy sản”, ông Phùng Đức Tiến nói và nhấn mạnh cần nhanh chóng gỡ được thẻ vàng cho thủy sản.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2021, dù ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,74%, tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản nói riêng. Để đạt được mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,5 – 2,8%, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm, đặc biệt Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nguồn: congthuong.vn