Doanh nghiệp Hà Nội nâng cao năng lực xuất khẩu qua thương mại điện tử
Gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội đã tập huấn nâng cao kỹ năng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sáng 16/6, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Công ty Công nghệ OSB – Đại lý được uỷ quyền chính thức của sàn thương mại điện tử Alibaba tổ chức Hội thảo “Nâng cao kỹ năng xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các Hội, Hiệp hội, các hộ kinh doanh, hợp tác xã, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Doanh nghiệp đã bắt kịp xu hướng về thương mại điên tử
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của thành phố Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,9 điểm; doanh số thương mại điện tử B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ước đạt 45%.
Ông Tạ Dũng Trí, Phó Phòng Quản lý Thương mại – Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của thành phố Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử.
Dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, xong đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng nhìn nhận, việc đưa thương mại điện tử vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý thương mại điện tử còn hạn chế, quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế còn khó khăn và phức tạp… “Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp” – ông Trí khẳng định.
Vì vậy, ông Trí nhấn mạnh, hội thảo sẽ mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quý báu để giải quyết những khó khăn, thách thức trên. “Chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và xuất khẩu – những người đã có thành công trong việc áp dụng và phát triển xuất khẩu trực tuyến. Chúng ta sẽ được tiếp cận những thông tin quan trọng về cách tận dụng công nghệ, xây dựng chiến lược tiếp thị, vượt qua các rào cản pháp lý và hạn chế khác” – ông Trí nói.
Đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu xuyên biên giới; Chia sẻ về giải pháp logistics; Xu hướng thương mại điện tử và xuất nhập khẩu toàn cầu; Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Hà Nội trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com; Chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến thành công và các bài học kinh nghiệm dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông tin về tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời đại số, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Khu vực Đông Nam Á vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
“Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra” – ông Thành nhấn mạnh và nhận định, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.
Bàn về những giải pháp đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế cùng thương mại điện tử xuyên biên giới, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu đào tạo, hỗ trợ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nói chung và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng như www.alibaba.com, www.ecvn.com; Các sự kiện thương mại điện tử thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” (theo Quyết định 1415/QĐ-TTg); Những ưu đãi theo một số FTA mà Việt Nam tham gia: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, FTAP, AANZFTA…
Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức sự kiện, bà Phạm Thơm – Trưởng Bộ phận Tư vấn Xuất khẩu, Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, đã chia sẻ nhiều nội dung hấp dẫn liên quan đến xu hướng thương mại điện tử và xuất nhập khẩu toàn cầu. Trong đó, nhấn mạnh tới vai trò đồng hành của Alibaba, bà Thơm khẳng định: “60% nhà cung cấp không có kinh nghiệm thương mại điện tử trước khi gia nhập Alibaba.com. Điều này có nghĩa là nếu bạn đã có một số kỹ năng vận hành thương mại điện tử trước đây, thì bạn đã ở vị thế tốt hơn nhiều người bán hiện tại. Nếu không, chúng tôi ở đây để giúp bạn”.
Bà Thơm đã chia sẻ và gợi ý đối với các doanh nghiệp lộ trình bán hàng trên Alibaba hiệu quả trong 12 tháng với các công đoạn và mốc thời gian cụ thể như: 3 tháng đầu, đăng ký Gold Supplier, thiết lập dữ liệu minisite và đăng sản phẩm lên Alibaba.com, tham gia đào tạo; 3 tháng tiếp theo, đăng ký ít nhất 100 sản phẩm, tìm hiểu về KFQ và quảng cáo từ khoá KWA, học cách phân tích dữ liệu để định hướng doanh nghiệp, tham gia đào tạo; 3 tháng sau đó, tiếp tục đăng sản phẩm (200 sản phẩm), phân tích hiệu suất hoạt động để cải thiện gian hàng đạt 3-5 sao; tối ưu hoá thư hỏi hàng và RFQ để tăng cơ hội chốt đơn hàng, phân tích dữ liệu và cải thiện dịch vụ, tham gia đào tạo; 3 tháng cuối cùng, tiếp tục đăng sản phẩm, sử dụng KWA để tăng lượt traffic, tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng, đánh giá thư hỏi hàng và phân loại người mua, kỹ năng chốt đơn, tiếp tục tham gia đào tạo, lập kế hoạch cho năm tiếp theo…
Chương trình đào tạo đã góp phần giúp các doanh nghiệp, người kinh doanh, nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết một cách bài bản, có hệ thống với những thông tin đã được đảm bảo, liên tục cập nhật bởi Bộ Công Thương thông qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và sàn thương mại điện tử Alibaba.com để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nguồn: congthuong.vn