Tích cực quảng bá hàng Việt Nam tại Nam Phi

Nam Phi là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế, xã hội và chính trị ở châu Phi và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Hiện nay, hai quốc gia đang triển khai các chính sách khôi phục kinh tế sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Có thể nói, đây là cơ hội tốt để hai bên thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế – thương mại song phương.

Tạo đà phục hồi sau đại dịch

Nhiều năm qua, Nam Phi xác định Việt Nam là đối tác thương mại lớn và quan trọng của mình. Các doanh nghiệp Nam Phi cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa để hợp tác thương mại, đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau.

Trong buổi gặp mặt với Phòng Thương mại và Công nghiệp Capetown (Cape Chamber of Commerce and Industry – Cape Chamber) tại thành phố này vào giữa tháng 2 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đề nghị Cape Chamber trong thời gian tới, cùng phối hợp mật thiết với Đại sứ quán nhằm tổ chức hoạt động hỗ trợ doanh nghịệp Việt Nam trao đổi tìm kiếm đối tác uy tín tại Capetown. Sau khoảng thời gian năm 2021 chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid, nhiều hoạt động của Cape Chamber như đối thoại trực tiếp, kết nối doanh nghiệp vùng Capetown, WesternCape bị gián đoạn, chỉ thực hiện hạn chế qua hình thức trực tuyến. Đến nay khi Chính phủ Nam Phi quyết định mở cửa gần như hoàn toàn hoạt động kinh tế thương mại, Cape Chamber dần khởi động trở lại các hoạt động chuyên môn hỗ trợ thành viên tìm kiếm đối tác bên ngoài, phát triển kinh doanh vùng.

Dự kiến tháng 5/2022 tới đây, hai bên sẽ cùng tổ chức B2B trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi, cụ thể là ngành hàng đồ gỗ nội thất, chế biến nông sản, hoa quả tươi, cà phê, đồ gốm…

Phát triển các thị trường mới

Đoàn công tác của Đại sứ Hoàng Văn Lợi cũng đã gặp gỡ và làm việc với Công ty Khanh Viet Trading Cc tại thành phố Capetown, tỉnh WesternCape, đây là doanh nghiệp tư nhân Việt kiều hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng Việt Nam tại thị trường Nam Phi trên 12 năm qua. Hiện tại Khanh Viet chỉ duy nhất nhập khẩu hàng Việt gồm gạo, mì ăn liền Vifon, nước mắm, phở, bún khô, cà phê, đồ gốm ngoài trời, đồ gỗ nội ngoại thất…

Có thể nói, hiện các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này vẫn chưa đa dạng. Trong khi đó, Nam Phi lại là cửa ngõ giao lưu quốc tế, tạo cơ hội thuận lợi để Việt Nam mở rộng hợp tác với các quốc gia châu Phi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các nước ở khu vực miền Nam châu Phi. Hệ thống bán lẻ được trải dài dọc đất nước 60 triệu dân này và các nước láng giềng như Mozambique, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Namibia và Lesotho,…

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Nam Phi năm 2021 đạt 1,27 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi là 847 triệu USD (tăng 24,3% so với năm 2020) và nhập khẩu là 426,5 triệu USD (giảm gần 40% so với năm 2020). Một số mặt hàng Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cao và ổn định sang Nam Phi chủ yếu là sản phẩm FDI gồm máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử, giày dép… Ngoài ra, còn có một số sản phẩm xuất xứ Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều thành phẩm, gạo, chất dẻo… cũng được người dân nơi đây ưa thích và có kim ngạch xuất khẩu cao.

Người tiêu dùng Nam Phi biết đến Việt Nam nhiều hơn qua các kênh du lịch. Đây cũng là một thuận lợi cho sản phẩm của Việt Nam tìm đường đến với thị trường Nam Phi. Khí hậu và thổ nhưỡng Nam Phi không phù hợp với việc trồng lúa gạo nên sản phẩm lúa gạo của Việt Nam cũng có được chỗ đứng trên thị trường Nam Phi. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi rất ít, đây là một trong những khó khăn trong việc quảng bá và duy trì đơn hàng sản phẩm Việt Nam tại đây. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc và Thái Lan.

Theo bà Candish Mashego-Dlamini, Thứ trưởng DIRCO phụ trách khu vực châu Á – châu Phi và Trung Đông, trong Kỳ họp lần thứ 5 tới của Diễn đàn đối tác Việt Nam – Nam Phi dự kiến diễn ra trong năm 2022, hai bên cần tập trung thảo luận và thống nhất các biện pháp, sáng kiến cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương; mở rộng và đa dạng hóa quan hệ kinh tế – thương mại, trước hết là ở các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng và thế mạnh như nông nghiệp, thương mại nông sản và khoáng sản, hợp tác nuôi trồng và đánh bắt hải sản, công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất ô tô, hợp tác về du lịch, giáo dục…

Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi sẽ phối hợp cùng Công ty Khanh Viet thúc đẩy đưa sản phẩm đồ gốm và cà phê Việt Nam sang quảng bá tại thị trường Nam Phi, cũng như các quốc gia lân cận.

Nguồn: congthuong.vn