“Ma trận” săn hàng giảm giá cuối năm

Thay vì chỉ chi tiền vào dịp khuyến mại Black Friday hay cuối năm, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng cơ hội “săn sale” mọi lúc thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT)…

“Mùa” khuyến mại khủng

Khảo sát qua các sàn TMĐT, hiện nay, trung bình một tháng vào các “ngày đôi” như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12…, các sàn TMĐT lại tung ra vài đợt khuyến mại lớn với với hàng nghìn, triệu voucher giảm giá “rẻ vô địch”, các chương trình “sale sập sàn”, “sale up to 90%”… Thêm vào đó, mỗi tuần, mỗi ngày các sàn TMĐT đều tràn ngập những chương trình giảm giá 20%, giảm 50%, các chương trình Flash Sale, Freeship (miễn phí vận chuyển), sản phẩm đồng giá 1.000 đồng, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn từ các gian hàng… nhằm thu hút người tiêu dùng có tâm lý săn sale (khuyến mại).

Đặc biệt, Bộ Công Thương vừa phát động Tháng Khuyến mãi tập trung quốc gia 2021 – Vietnam Grand Sale 2021 diễn ra từ ngày 1/12/2021 đến 1/1/2022. Chương trình này nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiều điểm mới. Trong đó hạn mức khuyến mãi được cho phép lên tới 100% thay vì 50% như bình thường nhằm kích cầu tiêu dùng sau những tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, các sàn TMĐT trực tuyến, các ứng dụng thanh toán điện tử cũng đồng loạt đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu mua sắm vào dịp này.

Đồng thời, đây cũng là dịp các sàn TMĐT tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại khủng và đẩy mạnh hình thức “shoppertainment” (kết hợp giữa mua sắm và giải trí) thông qua các chương trình đại nhạc hội, livestream và game tương tác… Thời điểm này cũng được dự đoán là thời điểm “vàng” cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương hiệu, các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, các sàn TMĐT lên ngôi nhờ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Thêm vào đó, bước vào dịp cuối năm, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đơn cử, từ lễ hội mua sắm 11/11 trên Lazada vừa qua cho thấy doanh thu và số lượng đơn đặt hàng tăng 2 lần; số thương hiệu, nhà bán hàng tham gia tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chứng tỏ sức hút từ các hoạt động khuyến mại đã phát huy giá trị, hấp dẫn người dùng, bất chấp những tác động từ đại dịch Covid-19.

Về xu hướng sắp tới của thị trường, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam nhận định, trong 5 – 6 tháng tiếp theo, nhu cầu chi tiêu mạnh tay để bù đắp thời gian giãn cách sẽ song hành xu hướng ưu tiên mua sắm mặt hàng cần thiết. Sau đó, người tiêu dùng sẽ mua sắm thông minh, bình tĩnh hơn, tập trung sản phẩm thiết yếu với mức chi tiêu hợp lý trên kênh trực tuyến.

Bên cạnh đó, chiến lược “sale quanh năm” của các sàn TMĐT đã tạo ra tâm lý chờ đón những chương trình mới, “săn” được ưu đãi hời để chi tiêu thông minh. “Loạt ưu đãi diễn ra liên tục cũng mang đến truy cập và doanh số ổn định cho thương hiệu” – Ông Hoàng cho hay.

Cảnh giác với giá siêu rẻ, sale ảo

Thị trường mua sắm cuối năm bắt đầu sôi động hơn bởi hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mãi được các nhà bán lẻ, kinh doanh từ trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online) tung ra nhằm kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm, cận Tết. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cần cảnh giác với những chương trình “sale ảo, giá siêu rẻ” của nhiều gian hàng tránh “sập bẫy” hàng giả, hàng kém chất lượng.

Với tâm lý “săn sale” dùng dần, chị Nguyễn Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, ngày 11/11 năm nay, bản thân đã “nướng” gần 2 triệu đồng vào các sàn TMĐT để mua những món đồ vừa cần thiết vừa không cần thiết. Chị Hiền chia sẻ, cảm giác canh chờ giờ khuyến mại, tranh nhau mua một món đồ giá rẻ sẽ khiến bản thân cực kỳ hưng phấn, dù hàng hóa đó mua về chưa chắc được sử dụng. Hoặc hàng được giao đến tay chất lượng lại không tương ứng với giá tiền và mô tả của gian hàng.

Hay trước đây, chị Thanh Linh (quận Thanh Xuân) chỉ cần thấy các ứng dụng của các sàn TMĐT thông báo đến thời gian “giảm giá khủng”, “sale sập sàn” và quyết định mua ngay, xong cũng có rất nhiều sản phẩm không bao giờ dùng tới. “Dần dần, mình đã không còn hào hứng với việc thức đêm “săn sale” nữa” – Linh chia sẻ.

Rất nhiều người cho biết, các đợt khuyến mại giảm giá dồn dập khiến họ cảm thấy như rơi vào “ma trận”. Thay vì chỉ các chương trình sale chỉ xuất hiện một vài thời điểm trong năm, thì giờ đây các chương trình này liên tục xuất hiện, đều đặn mỗi tháng. Chưa kể, để kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng bị biến tướng vì nhiều chiêu thức giảm giá ảo, xả hàng tồn của các đơn vị kinh doanh. Thông qua nhiều khuyến mại hấp dẫn, các nhà bán lẻ có thể đã tăng giá bán trước đó hoặc thậm chí “gài bẫy” bằng các chiêu quảng cáo thổi phồng nhắm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ghi nhận thực tế, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá hơn 50%, thậm chí giảm từ 70-80% nhưng thực chất giá sản phẩm sau khi khuyến mại không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày. Thậm chí nhiều gian hàng cố tình đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống.

Ưng một chiếc váy rất lâu, chị Hoàng Hiền (Hà Nội) đã quyết định chờ đến ngày giảm giá để mua. Chị còn cẩn thận ghi lại giá niêm yết của sản phẩm để vào ngày “săn sale” mang ra so sánh. Nếu giá thực sự giảm, chị mới mua, còn nếu gian hàng “độn giá” sẽ tìm cửa hàng khác để tham khảo. Chị Hiền chia sẻ, vào “ngày đôi” 9/9, đã đặt mua chiếc váy đó với giá 690.000 đồng, được miễn phí vận chuyển. Bản thân đã rất vui vì nghĩ “săn” được hàng rẻ. “Qua hôm sau, trở lại gian hàng đó, vẫn chiếc váy đó, vẫn màu sắc đó, nhưng không phải ngày khuyến mại mà sản phẩm chỉ có giá 670.000 đồng và vẫn miễn phí vận chuyển, nghĩa là tôi đang mua phải giá đắt nhưng bản thân lại nghĩ là rẻ. Đây thực sự là một kinh nghiệm “săn sale” nhớ đời”, chị Hiền kể lại.

Theo chủ một của hàng ở Hà Nội cho biết, không chỉ trên các gian hàng TMĐT, vài năm trở lại đây, nhiều cửa hàng bán trực tiếp cũng áp dụng, ăn theo. Vào các “ngày đôi”, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển “Sale up to 80”. Nếu không để ý, người mua sẽ thấy cửa hàng giảm giá 80% vì chữ “up to” được ghi bé xíu và phóng to chữ “Sale”, “80”. Thực tế, đây chỉ là chiêu thức dẫn dụ khách hàng đến mua sắm. Những sản phẩm giảm giá tới 80% chỉ là đồ cũ, lỗi mốt hoặc đồ cửa hàng muốn đẩy đi. Còn đồ mới thì chỉ giảm giá cho có như 5%, 10%. Mục đích chính trong các đợt giảm giá này là giới thiệu sản phẩm mới đến với khách hàng.

Theo đó, nếu đã tìm hiểu kỹ, khách hàng có thể sẽ mua được món hàng yêu thích với mức giá giảm sâu đáng kinh ngạc nhưng trong một vài trường hợp, với tinh thần mua sắm lên cao thì rất có thể người tiêu dùng sẽ có một khoản tiền bị tiêu không đúng chỗ. Vì vậy, trước khi bước vào “ma trận” giảm giá, khuyến mãi, nhất là dịp cuối năm, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không mua tràn lan; lựa chọn cửa hàng uy tín; và tiêu tiền thông minh, đúng lúc đúng chỗ.

Làn sóng kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm rất mạnh mẽ, các tuần lễ kích cầu, tháng khuyến mãi được quảng cáo rầm rộ với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia. Trong đó, muốn kích cầu tiêu dùng hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư cho công tác tuyên truyền rộng, chi tiết và dễ nhận biết trong các đợt khuyến mãi để mọi người tìm hiểu chi tiết. Bên cạnh đó, việc tổ chức khuyến mại cũng cần lựa chọn những đơn vị tham gia có trách nhiệm, thương hiệu và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời phải rà soát các mặt hàng, hình thức khuyến mại mà nhà nước cho phép nhằm tạo thị trường tiêu dùng lành mạnh.

Đặc biệt, lưu ý về giá cả, tránh đánh mất niềm tin của người tiêu dùng qua các đợt khuyến mại nhằm tạo uy tín cho doanh nghiệp, giữ chân người tiêu dùng. Và dù tâm lý người dùng thay đổi theo hướng nào, các chương trình ưu đãi vẫn có sức hút và tạo ra những giá trị không thể thay thế cho người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Nguồn: congthuong.vn