Áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 (Nghị định 26) về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Quyết định 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc ban hành Nghị định 26 nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước theo định hướng của Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước; khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Nghị định 26 đã sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung chính.
Thứ nhất, chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục AHTN 2022. Việc chuyển đổi này cơ bản không ảnh hưởng đến các quy định hiện hành, bảo đảm nguyên tắc công bằng, có đi có lại; hài hòa lợi ích đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước và trong quan hệ thương mại.
Thứ hai, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp trong quá trình tra cứu, thực hiện.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, đối với thuế xuất khẩu, Nghị định đã sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu của một số mặt hàng (ống đồng, phân bón, than củi, thiếc, kẽm chưa gia công) theo nguyên tắc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu cao hơn đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu và áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa để tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, đảm bảo công bằng với các mặt hàng có chế biến tương tự.
Điển hình là đối với mặt hàng phân bón, để giảm thủ tục hành chính cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, Nghị định đã quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với phân lân, urê, riêng phân bón DAP, NPK quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% thay cho quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng (51%). Việc sửa đổi này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện việc thu thuế xuất khẩu.
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu còn có thể có nhiều diễn biến phức tạp trong tương lai, Nghị định 26 đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng, dầu và các chế phẩm thay thế cho xăng. Việc điều chỉnh này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần hạ giá thành mặt hàng xăng trong nước.
Bên cạnh đó, Nghị định 26 cũng đã sửa đổi một số nội dung chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan đã được sửa đổi trong thời gian qua. Việc sửa đổi này sẽ đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/