Chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với nền kinh tế số

Diễn đàn đa phương MSF 2021 kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện tiếng nói và vị thế cho người lao động trên cơ sở cải thiện tiếp cận bình đẳng các cơ hội, từ đó, chuẩn bị cho lực lượng lao động thích ứng tốt hơn và đón nhận các cơ hội mới mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra.

Ngày 28/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công ty Samsung Việt Nam cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng Lực lượng lao động sẵn sàng cho Nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam”.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, DN, các viện nghiên cứu, các tổ chức công đoàn quốc tế và trong nước… MSF 2021 kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện tiếng nói và vị thế cho người lao động trên cơ sở cải thiện tiếp cận bình đẳng các cơ hội, từ đó, chuẩn bị cho lực lượng lao động thích ứng tốt hơn và đón nhận các cơ hội mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra.

Diễn đàn MSF 2021 với 2 phiên thảo luận chính, nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế.

Phiên thứ nhất tập trung mở rộng phạm vi và khái niệm hợp tác đa bên trong cải thiện năng lực, sẵn sàng thích ứng của người lao động. Phiên thảo luận này sẽ tập trung vào các vấn đề vĩ mô, như cơ chế chính sách, tiếp cận dịch vụ công và nguồn lực, sự chủ động nhập cuộc và hưởng lợi của người lao động, cũng như vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong nền kinh tế số.

Phiên thứ hai tập trung thảo luận về tác động, hàm ý của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới quan hệ lao động, đi sâu vào 2 nhánh giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng và thúc đẩy văn hóa tổ chức đa dạng và thúc đẩy vai trò của công nghệ, nâng cao vị thế cho người lao động.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, kinh tế số bao trùm cho phép cả người lao động và DN đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam đặt ra.

Với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các bên trong việc phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại DN, cũng như giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của DN và nền kinh tế, bao gồm cả đào tạo kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên…

Chia sẻ tầm nhìn tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến mọi DN, mọi lĩnh vực, mang đến nhiều cơ hội mới nhưng đặt ra không ít thách thức cho người lao động. Cùng với sự cộng hưởng tác động của dịch COVID-19 làm cho khó khăn vốn đã nặng nề nay còn nặng nề hơn. Để vượt lên thách thức đó, tổ chức công đoàn và người lao động phải nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, nhất là trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn để vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống”.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, DN giữ vai trò tiên phong với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. Người lao động là nhân tố có vai trò quan trọng, là người biến công nghệ thành sản phẩm, mang tình cảm, trách nhiệm của mình đến các sản phẩm, dịch vụ chung cho xã hội. Nhưng, người lao động không thể đứng một mình mà cần sự hợp tác, chung tay của các bên để biến mục tiêu thành hiện thực.

“Tại diễn đàn này, chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề đặt ra, cùng thảo luận, trao đổi, hợp tác để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp. Về phía tổ chức công đoàn Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực cao nhất để tuyên truyền, vận động người lao động tự thay đổi; tiếp tục nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp, để có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của DN, ông Choi JooHo, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng toàn cầu do COVID-19 gây ra trong 2 năm qua không chỉ tạo ra những khó khăn to lớn cho nền kinh tế thế giới, mà còn đặt ra những thách thức chưa từng có đối với những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đã tạo dựng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua MSF 2021, chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ, thảo luận với các bên về cơ hội mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho người lao động, đặc biệt là nhóm đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và phát triển”.

Ông Choi Joo Ho cho biết thêm, Samsung đang triển khai xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây – Hà Nội, hiện tại quá trình xây dựng đã hoàn thành 50% và dự kiến công trình sẽ được khánh thành vào cuối năm 2022. Điều này là minh chứng rõ ràng cho việc Samsung không chỉ coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng mà còn tập trung đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân tài. Qua đó thể hiện mạnh mẽ chiến lược của Samsung hướng đến xây dựng một doanh nghiệp đặt nhân tố con người lên hàng đầu.

Nguồn:  “Báo điện tử Chính phủ”