Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng ngừa rủi ro do thanh tra thuế

Năm 2021, nhiều văn bản, quy định mới liên quan đến thuế doanh nghiệp đã được ban hành. Nhằm tránh những rủi ro do thanh tra thuế và gây thiệt hại tài chính của như hình ảnh, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

Trong quý cuối năm, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra đối với các doanh nghiệp còn lại trong kế hoạch thanh tra vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đặc biệt các đối tượng doanh nghiệp lớn, trọng điểm, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, viễn thông, sản xuất bao bì, y tế, dược…

Tuy nhiên, sau 5 tháng tạm dừng hoạt động vì dịch, nhiều doanh nghiệp mới trở lại kinh doanh đã phải gánh nỗi lo bị phạt chậm nộp thuế. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp với những biến thể mới liên tục xuất hiện, doanh nghiệp khó có thể tính toán được lợi nhuận cả năm và số thuế phải nộp. Điều này dẫn đến nỗi lo thường trực về việc doanh nghiệp bị phạt chậm nộp thuế nếu quy định không được sửa đổi.

Bên cạnh đó, để phối hợp hiệu quả được với cơ quan thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp cần có kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng, đây là một yêu cầu khá khó khăn với chủ doanh nghiệp và cả kế toán trưởng của tổ chức. Không những vậy, còn nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến kết quả thanh tra, kiểm tra thuế mà nhiều khi doanh nghiệp khó có thể lường trước được.

Tại hội thảo “Phòng ngừa & cảnh báo rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế 2021” tổ chức ngày 4/12 vừa qua, ông Nguyễn Thành Lâm – Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam cho biết, do các đợt bùng phát dịch mới, tiến độ của thanh tra kiểm tra, công an thuế trong tháng 9,10 đã bị chậm lại. Tuy nhiên, từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11, các hoạt động thanh tra thuế được khôi phục và số lượng doanh nghiệp được kiểm tra đã tăng trở lại.

Trong 10 tháng đầu năm, ngành thuế đã thực hiện được 52.299 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 36.932 tỷ đồng. Quản lý thuế 2021 cũng có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, doanh nghiệp FDI, các ngành lĩnh vực: gia công, dịch vụ bán lẻ, khách sạn, bất động sản; thực hiện quản lý thuế theo chuyên đề như giá chuyển nhượng, chuyển nhượng vốn, hoàn thuế GTGT…

Ông Nguyễn Thành Lâm đánh giá, môi trường thuế trong năm 2021 đứng trước nhiều thách thức: nhiều văn bản mới được ban hành, các quy định mới, nhiều mốc thời gian mới.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cũng chia sẻ quan điểm này của ông Nguyễn Thành Lâm. Ông cho rằng, rủi ro thuế hiện nay nằm ở các điểm như pháp luật không rõ ràng, doanh nghiệp chưa hiểu rõ, chưa biết đầy đủ pháp luật, tư vấn sai, sai phạm do đối tác, môi trường kinh doanh hoặc doanh nghiệp chủ động giả chứng từ để hợp thức hoá một số giao dịch,…

Để đối phó với các rủi ro từ thanh tra và kiểm tra thuế, ông Lâm lưu ý doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng, từ những vẫn đề như gia hạn, phạm vi thanh tra, kiểm tra, dự thảo, ước tính số thuế phải nộp.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ và chi nhánh tại Việt Nam sử dụng các dịch vụ từ công ty mẹ và một số công ty thành viên có tính phí và trả phí, tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Lâm đã chỉ ra tính phức tạp của công tác kiểm tra thuế, và cho rằng “Công văn thuế chưa chắc đã bao quát được toàn bộ rủi ro thuế mà doanh nghiệp có thể gặp phải.” Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý cập nhật các quy định, văn bản mới, đồng thời lưu ý các pháp luật có liên quan hoặc các pháp luật khác để có cơ sở để bảo vệ luận điểm của mình trong các đợt thanh tra thuế.

Nguồn: congthuong.vn