Kiều bào tiếp tục chung tay thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt ra nước ngoài
Trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đợt dịch lần thứ 4, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt ra nước ngoài.
Ông Phùng Công Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã cho biết như vậy khi nói về những kế hoạch hỗ trợ của đơn vị cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.
Theo ông Phùng Công Dũng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang trong giai đoạn từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế, các doanh nhân, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kiều bào nói riêng đang cùng nhau dồn sức cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cho những tháng cuối năm 2021 và chuẩn bị bước vào năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1797/QĐ-TTg ngày 12/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024” trong giai đoạn hiện nay mang nhiều ý nghĩa hết sức thiết thực, đội ngũ kiều bào ở nước ngoài sẽ tích cực góp sức để hỗ trợ đưa hàng Việt ra nước ngoài.
Được biết, theo Quyết định này, ngày 13/10 vừa qua, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến chủ đề: “Kết nối doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Sự kiện thu hút đông đảo đại diện Lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài cùng trao đổi các giải pháp nhằm tăng cường đưa ra các giải pháp huy động, kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước sở tại trong tình hình hiện nay.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những “sân chơi” lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Liên hiệp châu Âu – Việt Nam (EVFTA)… thì vai trò kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt của doanh nhân, kiều bào ngày càng thể hiện rõ nét”- ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, việc xây dựng chuỗi cung ứng, liên kết giữa doanh nghiệp trong – ngoài nước, nâng cao tính trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay đang được Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh thực hiện quyết liệt hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế – xã hội đang nhiều thay đổi và hội nhập. Trong đó, tập trung vào các yếu tố đột phá như về con người, công nghiệp và có những sản phẩm vượt trội, thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Thực tế cho thấy, nguồn lực kiều bào có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng kiều hối đổ về Thành phố vẫn đạt 5,1 tỷ đô-la Mỹ, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này, lượng kiều hối chuyển về từ các nước như Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu chiếm tỷ trọng lớn. Đây được xem là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đặc biệt, lĩnh vực mà kiều bào quan tâm đầu tư hiện nay tập trung vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ xuất khẩu cao.
Tuy vậy, để tiếp tục thu hút nguồn lực kiều bào về Việt Nam trong giai đoạn tới, các chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào cho rằng, Việt Nam có thể áp dụng các hình thức như Công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài hoặc cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là giảm giá thuê đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư… Đặc biệt, cần xây dựng triển khai nhanh kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt cải cách mạnh hơn nữa thủ tục hành chính theo nguyên tắc “một cửa” – “một dấu” để phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp.
Nguồn: congthuong.vn