Luật Giá (sửa đổi): Phân cấp phù hợp, bảo đảm định giá đúng thực tiễn

Vấn đề định giá được đánh giá là rất quan trọng khi sửa đổi Luật Giá. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền rõ hơn đối với các bộ, ngành, địa phương trong định giá được nhận định là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo định giá theo giá thị trường.

Cụ thể, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí hiện hành gồm: hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan; tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên; hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thì Luật Giá (sửa đổi) đã bổ sung thêm tiêu chí “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh”.

Theo đánh giá, việc bổ sung này để phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi một số mặt hàng hiện đã được bổ sung tại các luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật Giá. Trên cơ sở đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã được cập nhật tại Luật Giá và các luật chuyên ngành để quy định đồng bộ tại Luật Giá (sửa đổi). Điểm khác so với Luật hiện hành là tại Luật Giá (sửa đổi) sẽ ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với thẩm quyền và hình thức định giá được quy định cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, ban hành phương pháp định giá, Luật Giá (sửa đổi) cũng được đánh giá là bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng.

Theo đó, Luật Giá (sửa đổi) đã bỏ cấp định giá là Chính phủ. Vai trò của Chính phủ chỉ là định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể cơ bản được giao cho cấp bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp ủy ban nhân dân tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý.

Theo các chuyên gia, việc phân cấp như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận xét, việc chủ trì định giá các hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành sẽ do các cơ quan chuyên ngành triển khai để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm khả thi và theo đúng chủ trương về tăng cường phân công, phân cấp của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, nhất là các lĩnh vực đặc thù.

Về phương pháp định giá, Luật đã quy định hai nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể. Một là, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề xuất cụ thể, có văn bản gửi Bộ Tài chính xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Hai là, bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành phương pháp riêng trong trường hợp pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng (ví dụ như giá đất; giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; một số mặt hàng theo Luật Sở hữu trí tuệ…).

Trước khi được thông qua, các đại biểu Quốc hội cũng đã đánh giá, những quy định trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã cơ bản tháo gỡ được những điểm nghẽn và bình ổn giá, định giá, thẩm định giá, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế và các luật có liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

Trong những vấn đề khi sửa đổi Luật Giá, một vấn đề khi đưa ra nhận được khá nhiều sự quan tâm là việc Luật Giá (sửa đổi) giao Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Không ít ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này nên được giữ lại, một mặt tạo cạnh tranh lành mạnh, nhưng một mặt đảm bảo quyền chủ động của doanh nghiệp trong điều chỉnh giá, giữ được công cụ quản lý nhà nước trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường. Trên thực tế, tùy tình hình kinh tế – xã hội từng thời điểm, Chính phủ sẽ quyết định mức giá trần phù hợp.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/