Một năm khởi sắc của sản xuất công nghiệp dệt may Việt Nam

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng dệt may đạt 40,3 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu hàng dệt may của khối doanh nghiệp FDI đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của cả nước

Sản xuất công nghiệp của ngành dệt và may mặc Việt Nam đã khởi sắc trong những tháng cuối năm. Năm 2021, sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng 8,3% và ngành may tăng 7,6% so với năm 2020. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng dệt may đạt 40,3 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu hàng dệt may của khối doanh nghiệp FDI đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của cả nước. Trong đó, hàng dệt, may đạt 32,8 tỷ USD tăng 9,9% so với năm trước, xơ sợi đạt 5,6 tỷ USD, tăng 50,2%.

Sau khi xuất khẩu chậm lại trong quý III/2021 do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 4 đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đã hồi phục, bứt phá và hồi phục nhẹ so với thời điểm trước dịch. Các thị trường chủ lực của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng mạnh, riêng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản vẫn giảm.

Về nhóm hàng may mặc: Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 32,8 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 20,1 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2020, chiếm 61,5% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này, tăng so với tỷ trọng 60% của năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nga… tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP, Đài Loan… giảm.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ASEAN trở thành động lực tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này. Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin trên toàn thế giới tiếp tục tăng cao, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường “mới”, chi tiêu đối với hàng may mặc sẽ tăng sau giai đoạn bị “đè nén” do dịch Covid-19,…

Về nhóm hàng xơ, sợi, dệt: Trong năm 2021, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại của Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, tăng 50,2% so với năm 2020. Các thị trường xuất khẩu chính của xơ, sợi dệt Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh. Các thị trường hầu hết đều tăng trưởng, trong đó, Bangladesh và Đài Loan là 2 thị trường tăng mạnh nhất, mức tăng lần lượt là 248% và 122%. Thị trường Trung Quốc tăng trưởng 39% so với năm trước với trị giá gần 3 tỷ USD. Xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc tăng mạnh do Trung Quốc tăng nhập khẩu sợi từ Việt Nam để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU.

Như vậy, có thể thấy, năm 2021, ngành dệt may có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu hàng dệt may do Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng: (i) Đơn hàng chuyển từ các nước gặp khó khăn do yếu tố dịch bệnh hoặc yếu tố chính trị nội bộ. (ii) Xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ, EU, xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc thuận lợi. (iii) Nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc của thị trường thế giới đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… tăng trở lại, sau thời gian giãn cách do dịch Covid-19. Các nước mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may.

Qua thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp… sang đồ bảo hộ lao động, sản phẩm dùng cho y tế, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống. Các doanh nghiệp cũng đã thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, ngoài việc đa dạng hóa dòng hàng, thì còn đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng với nền tảng cơ chế thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây. Việc các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được áp lực của thị trường về chất lượng và giao hàng nhanh.

Từ tháng 10/2021, các doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại, nguồn lao động đáp ứng được 40%, công nhân được tiêm 2 mũi vaccine, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã có những thuận lợi nhất định giúp tăng trưởng xuất khẩu sang EU ở nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy vậy, xuất khẩu ngành dệt may cũng gặp một số khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Cụ thể, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nhiều tháng từ tháng 5 năm 2021, đặc biệt dịch phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam trong quý II ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất và tiến độ giao hàng xuất khẩu. Theo đó, quý III/2021, sản lượng sản xuất một số sản phẩm trong ngành đều giảm mạnh so với quý II/2021 và quý III/2020: Vải dệt từ sợi tự nhiên giảm gần 7%; Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 7,8%; Quần áo mặc thường giảm 5,37%…

Việc lao động không ổn định khiến thị trường lao động mất cân đối nghiêm trọng do làn sóng chuyển dịch lao động, thiếu hụt lao động ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phía Nam. Nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu sản xuất dẫn tới không đáp ứng được thời hạn giao hàng. Hỗ trợ của nhà mua hàng hạn chế, chỉ tập trung ở nhóm cung ứng cốt lõi (66,7% nhà mua hàng chấp nhận giao hàng chậm nhưng chỉ có 16,7% đồng ý chia sẻ phí vận chuyển hàng không, chỉ 1/5 nhà mua hàng chấp nhận đưa một phần chi phí chống dịch vào đơn giá, 33% chuyển một số đơn hàng sang nước khác, 29,2% cam kết không giảm giá,…).

Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ đã định hướng dệt may là 1 trong số 6 lĩnh vực nằm trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Việt Nam. Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí các hoạt động nghiên cứu và phát triển, 50 -75% đối với hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp phụ trợ dệt may cũng được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu đãi về vay vốn, được miễn giảm tiền thuê đất…

Quyết định 3218/QĐ-BCT của Bộ Công Thương  Về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng định hướng phát triển sản phẩm, lĩnh vực quan trọng dưới các khía cạnh:

Thứ nhất, tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường. Lấy xuất khẩu là phương thức cơ sở cho sự phát triển của ngành, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu nội địa. Trong đó:

Giai đoạn 2016 – 2020: Tăng trưởng xuất khẩu đạt 9 – 10%, tăng trưởng nội địa đạt 10 – 12%/năm. Toàn ngành tăng trưởng 12 – 13%/năm, trong đó dệt tăng 13 – 14%/năm, may tăng 12 – 13%/năm.

Giai đoạn 2021 – 2030: Tăng trưởng xuất khẩu đạt 6 – 7%, tăng trưởng nội địa đạt 8 – 9%/năm. Toàn ngành tăng trưởng 9 – 10%/năm, trong đó dệt tăng 10 – 11%/năm, may tăng 9 – 10%/năm.

Thứ hai, xây dựng chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, tập trung phát triển khâu dệt nhuộm.

Thứ ba, phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu; Phát triển vùng trồng bông tại Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận…; Phát triển nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo gắn với khu hóa dầu ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Đồng thời, phát triển các cụm công nghiệp dệt may ở 7 vùng phù hợp, thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, cảng biển. Hà Nội và TP HCM đóng vai trò quan trọng nhất, được định hướng trở thành trung tâm thiết kế thời trang, sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may, phát triển sản phẩm cao cấp.

 Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”