Ngành hàng thuỷ sản đối mặt nhiều thách thức
Dự báo năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,27 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 (9 triệu tấn), xuất khẩu thủy sản dự báo ước đạt từ 9 đến 10 tỷ USD. Bên cạnh những đóng góp tích cực, nghề cá nước ta đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Cục Thuỷ sản, năm 2023 kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Nhưng ngành thủy sản dự báo vẫn đóng góp tổng sản lượng thủy sản đạt 9,27 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 (9 triệu tấn), xuất khẩu thủy sản dự báo ước đạt từ 9 đến 10 tỷ USD. Ngành thuỷ sản và nghề cá biển (khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, nâng cao thị phần xuất khẩu, và góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, nghề cá biển nước ta cũng đang đối diện với những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thách thức về môi trường và an ninh biển. Hiện nay, biển đối khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, khai thác thiếu bền vững, “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) là những trở ngại làm hạn chế sức cạnh tranh của ngành hàng thủy sản Việt Nam trên thế giới, cũng như bảo đảm bền vững các hệ sinh thái biển phục vụ cho cuộc sống của hàng triệu người dân địa phương.
Nhằm tìm giải pháp quản lý nghề cá và ngành hàng thuỷ sản phát triển hiệu quả và bền vững, ngày 8/12, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với cộng đồng ngư dân và các hội đoàn thủy sản, nghề cá với chủ đề “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm”. Đối thoại “đầu bờ” được tổ chức tại hiện trường khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân tổ dân phố đảo Bích Đầm – nơi người dân sống xa bờ nhất trong vịnh Nha Trang.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề cập đến sự thay đổi trong ngành thủy sản Việt Nam, từ việc chỉ tập trung vào đánh bắt và nuôi trồng nay đã chuyển sang một hướng tiếp cận toàn diện hơn; trong đó vừa đánh bắt vừa bảo tồn theo các hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm có hiệu quả với việc thu hút du lịch vào việc bảo tồn nghề cá. Đồng thời, Bộ trưởng kêu gọi sự thay đổi trong tư duy và hành động, từ việc chỉ chú trọng đánh bắt sang việc bảo tồn và phát triển bền vững, việc chống khai thác hải sản gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU trước hết vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của nhân dân.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/