Xây dựng thương hiệu để khai thác thế mạnh nông sản Việt

Đảm bảo chất lượng đồng đều và ổn định trên quy mô lớn sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cũng như giá trị cho nông sản trên thị trường quốc tế.

Còn nhiều khoảng trống về chính sách

Việt Nam hiện duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhưng theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô và có giá trị thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước; chưa có nhiều thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Theo bà Nguyễn Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), hiện có khoảng gần 20 văn bản chính sách, chương trình đề cập tới việc phát triển thương hiệu nông sản. Tuy nhiên, các quy định đều rất chung chung, trong khi các sản phẩm nằm ở rải rác ở các quyết định khác nhau và chưa có sự kết nối giữa các bên liên quan trong khi việc phát triển thương hiệu liên quan tới nhiều ngành chứ không chỉ là vấn đề logo, gắn nhãn lên sản phẩm. Theo đó, đến nay trong số 325 sản phẩm của 172 DN được công nhận là thương hiệu quốc gia, chỉ có chưa tới 30

Hiện nhiều quốc gia sử dụng thương hiệu quốc gia làm công cụ để giúp DN phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu quy mô, có tầm ảnh hưởng lớn.

 DN có sản phẩm nông, lâm, thủy sản

Điển hình như Italia đã xây dựng thành công Chương trình quốc gia quảng bá cho ngành thực phẩm Italia – “The Extraordinary Italian Taste” (tạm dịch là Tuyệt vời hương vị Italia) cho toàn ngành thực phẩm với sự tham gia của nhiều DN nhỏ và vừa. Hàn Quốc cũng xây dựng thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm, với thương hiệu chung “Hansik – The Taste of Korea”, giúp đẩy mạnh cơ hội kinh doanh cho các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, nhà hàng, du lịch cũng như văn hóa của nước này. Với thương hiệu quốc gia “Thailand – Kitchen of the world”, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan đang ở con số rất ấn tượng 10%/năm.

Hiện Việt Nam mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu. Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra… đang trong quá trình xây dựng. Trong đó, hồ sơ bảo hộ cho nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao đã nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ nhưng hiện vẫn chưa có kết quả do thiếu hành lang pháp lý và hệ thống quản lý tên gọi quốc gia.

Từ thực tế nêu trên, bà Hương cho rằng, hiện còn nhiều khoảng trống về chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản như thiếu định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong việc xây dựng thương hiệu nông sản nên nguồn lực hiện đang bị phân tán. Việc quản trị, phát triển thương hiệu nông sản còn yếu, thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, chiến lược tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu, chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc quản lý thương hiệu còn bất cập. Hệ thống thông tin và kết nối thị trường cũng còn hạn chế, chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào việc thông tin giá cả thị trường mà thiếu những thông tin khác về các thị trường như nhu cầu, thị hiếu…

Phải “xây” từ chất lượng

Trong những ngày gần đây, thông tin về việc lô hàng sầu riêng, ớt của Việt Nam bị buộc tiêu hủy tại Nhật do vướng dư lượng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nông sản Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để phát triển thương hiệu nông sản, trước tiên cần có các chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những dòng sản phẩm tốt, có chất lượng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đặt vấn đề về việc Việt Nam có nhiều sản phẩm ưu việt, hương vị thơm ngon nhưng vì sao sức cạnh tranh vẫn không bằng sản phẩm cùng loại của các nước. Theo đó, cần phải có chính sách tập trung cho vấn đề chất lượng và phải đảm bảo chất lượng trên diện rộng thì mới tạo nên thương hiệu cho một ngành hàng. “Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì khả năng cạnh tranh không thể cao và không thể đáp ứng được các đơn hàng lớn và giá bán cũng không cao do chất lượng không đồng đều” – ông Cường nhìn nhận.

Từ góc độ DN, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cũng cho rằng, yếu tố đầu tiên của thương hiệu là phải có giá trị thật và phải thật giá trị. Để làm được điều này, cần có quy trình sản xuất để xây dựng được tiêu chuẩn cho hàng hóa. Theo đó, cần truy xuất nguồn gốc từ các nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được từ đầu mối là các công ty sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cũng cho rằng cần có chế tài để bảo vệ những DN làm ăn chân chính, chịu đầu tư, hợp tác với nông dân để phát triển thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cũng đánh giá: “Không thể có thương hiệu bền vững nếu các DN vẫn cạnh tranh nhau bằng mọi giá, dùng giá để triệt tiêu nhau. Giảm giá đồng nghĩa với giảm chất lượng, gian lận về số lượng… Nhưng nếu dùng thương hiệu như một tiêu chí để gắn kết mọi người thực hiện các quy tắc chung, các tiêu chuẩn chung và có kiểm soát nội bộ thì chắc chắn sẽ tạo ra được cộng đồng tốt. Đây cũng là kinh nghiệm của các nước đã xây dựng thành công thương hiệu quốc gia”.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhấn mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ trong hội nhập quốc tế. Theo đó, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản cần lưu ý tới vấn đề bản quyền giống và cần đẩy mạnh bảo hộ giống cây trồng.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/