Thị trường Trung Quốc mở cửa: Gia tăng áp lực cạnh tranh với hàng hóa Việt
Thị trường Trung Quốc mở cửa là tin vui cho xuất khẩu của Việt Nam tuy nhiên thách thức cạnh tranh với doanh nghiệp và hàng hóa Việt không hề nhỏ.
Trung Quốc đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu lớn và rất quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, thủy sản. Ngay từ đầu năm, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động nhằm tận dụng cơ hội Trung Quốc mở cửa thị trường sau thời gian khép chặt do dịch bệnh để thúc đẩy xuất khẩu.
Là tin vui nhưng ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc cũng nhấn mạnh là thách lớn cho hàng hóa Việt. Bởi lẽ, Trung Quốc mở cửa cho cả thế giới do vậy cạnh tranh sẽ là đa chiều: Giữa hàng Việt Nam với hàng hóa từ các nước khác trên thị trường Trung Quốc, hàng Việt Nam với hàng Trung Quốc trên thị trường Trung Quốc và hàng hóa 2 nước ngay tại thị trường Việt Nam.
“Kể từ khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại các đoàn khảo sát của Trung Quốc ra nước ngoài rất nhiều. Riêng tại Việt Nam, 2 tháng đầu năm có không dưới 10 đoàn do hiệp hội, địa phương, đơn vị tổ chức sự kiện tổ chức sang khảo sát tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam”, ông Nông Đức Lai nói.
Bên cạnh đó, chính sách thương mại của Trung Quốc cũng là khó khăn lớn với doanh nghiệp và hàng hóa Việt. Năm nay Trung Quốc chú trọng ổn định ngoại thương và nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu. Đồng nghĩa, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ bị tăng cường kiểm soát về chất lượng. Qua theo dõi, số lượng hàng Việt Nam bị cảnh báo khi nhập khẩu vào Trung Quốc ngày một tăng. Năm 2021 Việt Nam xếp thứ 4 trong số các quốc gia có số lượng các vụ cảnh báo hàng hóa vi phạm quy định tại Trung Quốc, năm 2022 đã đứng thứ 2. “Doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này”, ông Nông Đức Lai nói.
Trước những thách thức trên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng đưa ra khuyến nghị: Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng hóa tại các nước có dịch bệnh, vì vậy các bộ, ngành liên quan và địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào trong nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Đặc biệt là không tác động đến 1 số nhóm mặt hàng Việt Nam đang đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, nhất là chi nhánh Nam Ninh và Côn Minh theo dõi chính sách của trung ương và các địa phương của Trung Quốc với thương mại cư dân biên giới để có khuyến nghị kịp thời.
“Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng liên quan như thủy sản, gia vị chú trọng tìm kiếm cơ hội cung ứng cho doanh nghiệp Trung Quốc trong chuỗi sản xuất ngành hàng chế biến thực phẩm và hợp tác trong lĩnh vực này. Hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm và mở nhà máy sản xuất gia vị tại Trung Quốc, đây cũng là cơ hội tốt cho doanh nghiệp mở hướng hợp tác đầu tư”, tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh gợi ý.
Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cũng lưu ý thêm: Ngày 1/1/2022 Trung Quốc thực thi lệnh 248, 249 do vậy doanh nghiệp cần rất nghiêm túc bám sát vào quyết định này. Lệnh này áp dụng cho cả doanh nghiệp thương mại và sản xuất.
Thiết kế bao bì nhãn mác nên nghiên cứu theo thị hiếu tiêu dùng của người Trung Quốc. “Người tiêu dùng Trung Quốc có thói quen biếu tặng nên yêu cầu về bao bì cao, biểu đạt được chất lượng và đẳng cấp sản phẩm. Trung Quốc cũng có bộ tiêu chuẩn quy định về tem, mác hàng hóa nhập khẩu nên doanh nghiệp cần tìm hiểu và tham khảo tiêu chuẩn”, ông Vũ Tiến Hùng nói.
Mặt khác, doanh nghiệp chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thông tin về giá thành, chi phí vận tải khi có đối tác đến tìm hiểu, trao đổi để đàm phán. Thị trường hàng hóa Trung Quốc, nhất là nông sản biến đổi rất nhanh, doanh nghiệp cần thông tin kịp thời để có quyết định phù hợp.
Được biết, để hỗ trợ tiếp cận và khai thác cơ hội thị trường tại Trung Quốc từ nay đến cuối năm Cục Xúc tiến thương mại dự kiến triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp tham gia một số hội chợ, triển lãm lớn tại thị trường này. Cụ thể, tháng 6 triển lãm về doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Châu; tháng 8 hội chợ xuất nhập khẩu ở Côn Minh; tháng 9 hội chợ ASEAN- Trung Quốc; tháng 11 hội chợ nhập khẩu của Trung Quốc… Ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh: Những hội chợ này có quy mô rất lớn là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ở thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://kinhte.congthuong.vn/