Xuất khẩu sắt thép bứt phá
Bất chấp khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu sắt thép của nước ta vẫn có sự tăng trưởng khả quan trong 8 tháng đầu năm.
Xuất khẩu thép đạt kỷ lục
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 8 vừa qua xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với kim ngạch gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 8/2020), kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này gấp tới 2,5 lần.
Tháng 8 là tháng có có kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt mốc 1 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 8, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với kim ngạch đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng nhưng tăng tới 127% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước
Về chủng loại, mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong xuất khẩu là HRC ( thép tấm cuộn cán nóng), mức tăng 145% so với cùng kỳ 2020 nhờ Formosa đẩy mạnh xuất , tiếp theo là tôn mạ tăng trưởng 115%, khi top 5 các doanh nghiệp tôn mạ xuất khẩu từ 50-67% sản lượng sản xuất (gần 2/3), xuất khẩu thép cán nguội tăng 45% và xuất khẩu thép xây dựng tăng 27%, duy nhất ống thép giảm gần 10%. Có đến 54% sản lượng tôn mạ sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu, tỷ lệ này ở HRC là gần 20%, thép xây dựng là hơn 16%.
Là một trong những doanh nghiệp thép lớn trong cả nước, cùng với việc cung cấp một sản lượng lớn cho tiêu thụ nội địa, ngay từ đầu năm 2021, Thép Hòa Phát này đã chủ trương tối ưu công suất tất cả các dây chuyền để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường xuất khẩu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đơn cử, đối với sản phẩm ống thép, bên cạnh thị phần luôn trên 30% tại thị trường nội địa, hơn 10 năm qua, ống thép Hòa Phát đã xuất khẩu đi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc… Từ năm 2021, Công ty chủ trương tăng dần tỷ trọng xuất khẩu lên trên 10% sản lượng bán hàng ống thép và tiếp tục mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác. Thép Hòa Phát có nhiều lợi thế cạnh tranh như có cảng biển nước sâu ngay tại nhà máy, giúp dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa xuất đi các thị trường. Đặc biệt, thép Hòa Phát được luyện từ quặng sắt, có chất lượng cao, chủng loại sản phẩm, mác thép đa dạng.
Tận dụng cơ hội thị trường
Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%.
Ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường là EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Hoa Kỳ đạt 540 nghìn tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường gia tăng nhiều tháng qua. Xuất khẩu sang EU tăng 7,5 lần so với cùng kỳ nhờ tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hơn một năm qua. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ hiệp định này, đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thuận lợi hóa thương mại. Mức tăng trưởng này cho thấy các doanh nghiệp ngành thép đã ngày càng quan tâm khai thác thị trường EU và đã tận dụng tốt những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, thuế suất nhập khẩu sắt thép các loại của EU từ Việt Nam hầu hết đã về 0%.
EU vốn được biết tới là thị trường đòi hỏi các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn cao và khắt khe. Việc xuất khẩu sắt thép sang thị trường này tăng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn hóa sản xuất, thỏa mãn được yêu cầu cao từ quốc gia nhập khẩu.
Cùng với thị trường, mức giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 830 USD/tấn (cùng kỳ năm ngoái khoảng 520 USD/tấn); nhập khẩu khoảng 870 USD/tấn (cùng kỳ năm ngoái đạt khoảng 580 USD/tấn).
Theo VSA, năng lực sản xuất thép thô (phôi thép các loại) của Việt Nam hiện khoảng 24 triệu tấn một năm. Sản lượng sản xuất thép thô năm 2021 dự kiến đạt khoảng 21,2 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và dành cho xuất khẩu.
Nguồn: congthuong.vn