Cách nào giảm rủi ro khi xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi?

Việt Nam là 1 trong 5 nhà cung ứng lớn cà phê sang thị trường châu Phi, tuy nhiên rủi ro trong kinh doanh luôn tiềm ẩn và thách thức doanh nghiệp.

Nhiều thách thức

Thị trường châu Phi có nhu cầu lớn với mặt hàng cà phê, kim ngạch nhập khẩu khoảng 750 triệu USD mỗi năm. Việt Nam hiện là 1 trong 5 nhà cung ứng lớn cà phê cho khu vực châu Phi. Tuy nhiên, tại Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi diễn ra ngày 21/7, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, cho hay: Doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này.

Trong đó có thể kể tới vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa; nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết quốc gia châu Phi còn chưa phát triển.

Cụ thể tại thị trường Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria, chia sẻ: Algeria chủ trương hạn chế nhập khẩu hàng thành phẩm, khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu để phát triển sản xuất trong nước. Do vậy, mặc dù là nhà cung ứng lớn cho Algeria tuy nhiên Việt Nam mới chỉ xuất khẩu cà phê thô.

Một số doanh nghiệp hai bên còn xuất nhập khẩu qua trung gian; khoảng cách địa lý xa, với hơn 10.000km cũng là trở ngại lớn nhất là trong vấn đề chi phí cho logistics. Thuế nhập khẩu cà phê của Algeria khá cao, tới 63% đang thách thức doanh nghiệp xuất khẩu.

Tương tự Algeria, thuế nhập khẩu cà phê vào Maroc cũng có sự chênh lệch lớn giữa cà phê thô và cà phê chế biến. Trong đó, tổng thuế nhập khẩu cà phê thô là 25% và cà phê chế biến tới 71%.

Tuy không phổ biến ở tất cả ở các thị trường châu lục, tuy nhiên tại một số thị trường như Nigeria tình trạng lừa đảo online, hoặc đối tác tự tìm tới doanh nghiệp qua các website tương đối nhiều. Trong bối cảnh pháp luật của nhiều nước châu Phi không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nên rất khó giải quyết khi nảy sinh tranh chấp giữa nhà cung ứng và doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này cũng khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt dè chừng.

Một thách thức nữa, tình trạng chung của các nước châu Phi là không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng đã qua chế biến. Vì vậy, thương hiệu cà phê rang xay, hoặc cà phê đã chế biến của Việt Nam còn hiện diện rất ít trên thị trường này.

Giải pháp được khuyến cáo

Dù có nhiều thách thức, tuy nhiên châu Phi vẫn là thị trường hấp dẫn với cà phê Việt. Nguyên do, do đặc điểm khí hậu, trình độ canh tác thấp nhiều quốc gia khu vực châu Phi không trồng và chưa phát triển được ngành cà phê. Trong khi nhu cầu tiêu dùng lớn, buộc phải nhập khẩu.

Đơn cử thị trường Algeria, nhập khẩu 100% cà phê phục vụ tiêu dùng trong nước, khoảng 120.000 tấn/năm, trị giá 300 triệu USD/năm; Maroc nhập khẩu ổn định với giá trị 100 triệu USD/năm. Hay thị trường Ai Cập năm 2021 nhập khẩu 42.000 tấn cà phê; Sudan nhập khẩu 48.400 tấn cà phê.

Thị trường các quốc gia trong khu vực châu Phi có nhiều điểm tương đồng về tập quán kinh doanh, nhu cầu nhập khẩu, chính sách xuất nhập khẩu và các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm. Tại phiên tư vấn, đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Phi đã đưa ra những khuyến cáo tương đồng giúp doanh nghiệp xuất khẩu tránh rủi ro trong quá trình kinh doanh.

Trong đó, xác minh đối tác là bước rất quan trọng. Trước khi tiến hành giao dịch, doanh nghiệp đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ xác minh.

Phương thức thanh toán nên sử dụng L/C không huỷ ngang, trong đó có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu, châu Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng, trong đó đề nghị khách đặt cọc ít nhất 25-30% giá trị đơn hàng.

Khi ký hợp đồng, có điều khoản ràng buộc rõ ràng với đối tác trong trường hợp hàng đến cảng chưa thể thông quan phải nằm kho bãi lâu ngày do chậm thanh toán từ phía đối tác. Hạn chế tối đa ký hợp đồng thông qua môi giới.

Khi có phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp liên lạc ngay với các cơ quan liên quan, như Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ và có giải pháp tối ưu nhất, tránh kéo dài gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, có trường hợp không thể xử lý được.

Nguồn: congthuong.vn