Xúc tiến thương mại: Hỗ trợ đúng và trúng

Các đề án xúc tiến thương mại được triển khai đã đánh đã đánh đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh thị trường đã mở hơn, sau một thời gian dài kìm nén bởi dịch bệnh, các đề án xúc tiến thương mại được triển khai đã đánh đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Theo tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm, trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện 21 đề án với tổng kinh phí hơn 27,7 tỷ đồng.

Do các thị trường ngoài nước đã mở cửa, Bộ Công Thương đã lựa chọn các sự kiện phù hợp để tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp như: Tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam Expo 2022; tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul 2022, Triển lãm thế giới Dubai Expo; hỗ trợ doanh nghi tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành như Hội chợ thực phẩm và đồ uống Gulfood Dubai 2022 tại Dubai, Triển lãm quốc tế thủy sản Bắc Mỹ, Triển lãm phát triển phần mềm và ứng dụng tại Nhật Bản, Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Barcelona. Song song với đó, hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến vẫn được Bộ Công Thương triển khai, đã có 22 phiên tư vấn xuất khẩu được tổ chức nhằm cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp về các cam kết quốc tế, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với đa dạng sản phẩm của các thị trường trên thế giới; 13 hội nghị giao thương trực tuyến về nông sản, thủy sản, thực phẩm với thị trường EU, RCEP, Nhật Bản, Anh, Nam Mỹ, châu Phi, Latvia, Panama… Bộ cũng phối hợp với 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp của khu vực với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào các sàn thương mại điện tử quốc tế, nửa đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Alibaba.com khai trương “Gian hàng Quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion”, đồng thời phối hợp với Globalsources.com và Tradekey.com để triển khai xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên 2 sàn thương mại điện tử B2B này.

Dù đạt kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường chưa thực sự hồi phục sau đại dịch, thậm chí còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các dư âm, hoạt động xúc tiến thương mại được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ các khó khăn đang tồn tại. Trong đó, có thể kể tới việc nối lại thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng – dù đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau, quả còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường và chưa tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Với những khó khăn trên, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết, tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh; phối hợp với các bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu…

Nguồn: congthuong.vn